ttth247.com

TP.HCM phát triển kinh tế công nghệ cao: Tất yếu và cấp bách

Kinh tế TP.HCM sẽ chuyển đổi sang theo hướng công nghệ cao, xanh và số.

Hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các chiến lược linh hoạt và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp TP.HCM đạt được mục tiêu của mình.

Tình hình thay đổi và phải có cách thích ứng

Ông Nguyễn Trung Chính, Tập đoàn công nghệ CMC, đặt câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên đối thoại chính sách: "Vừa rồi nhân dịp 2-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có nêu về chuyển đổi số như một cuộc cách mạng và là động lực để cho việc thay đổi quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất. Thủ tướng có cho rằng chuyển đổi số là một cuộc cách mạng và là động lực hay không?".

Ông Chính cũng dẫn chứng thêm trí tuệ nhân tạo (AI) ngày một phát triển và dự đoán đến năm 2030 tạo ra 15.700 tỉ USD, tăng trưởng 15%. Việt Nam nếu áp dụng tốt thì cũng có thể tạo ra GDP từ 150 - 200 tỉ USD.

Thẳng thắn trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vấn đề này vừa phù hợp xu thế thế giới, vừa đúng hoàn cảnh Việt Nam, phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và trên thực tế Việt Nam đang đi theo hướng như vậy. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ giúp tăng cường, làm mạnh hơn lực lượng sản xuất mà còn góp phần thực hiện quan hệ sản xuất tiên tiến. Đây là chủ trương lớn mà Việt Nam đang đi đúng hướng.

Thủ tướng cho rằng chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất...), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.

Muốn làm được điều này, ông nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua TP.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TP.HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.

TP.HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của TP.HCM và của Việt Nam.

"Tình hình thay đổi và chúng ta phải có cách thay đổi ứng xử sao để thích ứng với tình hình, tiếp tục phát triển đi lên. Giải pháp cũng như cách làm phải thay đổi", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

Cần mạnh dạn cam kết phát triển xanh hơn, số hóa hơn

Nói về định hướng, mục tiêu mới của TP.HCM, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã hiến kế nhiều nội dung về chuyển đổi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh... Ông Rich McClellan - giám đốc quốc gia Viện Tony Blair, vì sự thay đổi toàn cầu tại Việt Nam - cho rằng để lựa chọn các ngành công nghiệp phù hợp nhất cho TP.HCM, cần áp dụng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên ba khía cạnh chính: tác động của ngành, lợi thế cạnh tranh và sự phù hợp với các chiến lược quốc gia và của TP.

"Dựa theo nghiên cứu của viện, có bốn ngành chiến lược TP cần được ưu tiên đầu tư và phát triển. Bao gồm ngành điện tử và sản xuất công nghệ cao; kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin; năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; cuối cùng là tài chính xanh. TP cần sớm đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho phát triển bền vững", ông Rich McClellan gợi ý.

Trong khi đó, bà Kiva Allgood - giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, thành viên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - nhận định các xu hướng lớn đang thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sẽ đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội đáng kinh ngạc cho TP.HCM và Việt Nam. Đặc biệt, cùng với sự thành lập Trung tâm C4IR (Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0) tại TP.HCM - Việt Nam, Chính phủ, ngành công nghiệp và các chuyên gia có thể cùng nhau nắm bắt thời điểm này và định hình tương lai của ngành sản xuất. "Việt Nam cần triển khai mọi giải pháp khác biệt và mạnh dạn cam kết để phát triển xanh hơn, số hóa hơn vì đó là hai thành phần tốt nhất để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn", đại diện WEF trong diễn đàn chia sẻ.

Xác định chuyển đổi xanh là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững không chỉ của TP.HCM mà còn ở Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ trình Thủ tướng về việc thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Ông Phạm Thanh Hà - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cũng nêu ra những ưu tiên mà ngành ngân hàng dành cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, với các chính sách lãi suất ưu đãi và hạn mức tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh trong 5 năm qua đã tăng 22%, cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành ngân hàng.

TP.HCM cam kết tạo môi trường pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ linh hoạt.

TP.HCM sẽ nắm bắt cơ hội để phát triển

Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh rằng TP sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trung tâm C4IR sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến. "Chuyển đổi công nghiệp 4.0 là bước tiến tất yếu, và với sự quyết tâm cùng các chính sách linh hoạt, TP.HCM sẽ nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững", ông Mãi khẳng định.

Với khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của cả nước. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0, ông Mãi cam kết tạo môi trường pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ linh hoạt. Các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng đang được đẩy mạnh để giúp các doanh nghiệp nắm bắt và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Trong suốt thời gian chủ trì phiên đối thoại chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định vai trò của giáo dục, đào tạo con người trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Ông cho rằng muốn phát triển khoa học công nghệ trước hết phải phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng rất quan trọng. Đảng xác định giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đã ban hành các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục làm nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ, như chuyển từ trang bị kiến thức đơn thuần sang kiến thức toàn diện.

"Phải sửa đổi các quy định để phát triển thị trường khoa học công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ là một loại hàng hóa có thể giao dịch trên thị trường một cách công khai, minh bạch, đúng giá trị, tuân thủ quy luật thị trường. Lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Cùng với đó tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để bộ máy quản lý khoa học công nghệ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có cơ chế, chính sách khuyến khích sự năng động, sáng tạo vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, trong đó có giải pháp về cán bộ", Thủ tướng khẳng định.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Số lượng cụm công nghiệp tại TP.HCM sẽ giảm mạnh trong quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển mới.
3 tuần trước - Kinh tế TP HCM đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải sớm tìm ra động lực tăng trưởng mới để có thể phát triển xứng tầm.
1 tuần trước - Ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định, trong quá trình phát triển kinh tế, TP.Hồ Chí Minh luôn xác định cần phải gắn kết với các tỉnh. Mỗi cơ hội được mở ra, một biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được...
1 tuần trước - Đến Việt Nam tham gia Diễn đàn Kinh tế TP.HCM vào tuần trước, TS Chad P. Bown, chuyên gia Kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về cách thức cụ thể hóa chiến lược chuyển đổi công nghiệp mà TP.HCM đang đặt ra.
3 tuần trước - Nằm ở trục đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1, TP.HCM), Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh 2024 (GRECO 2024) bắt đầu đón khách từ tối 21-9 đến ngày 25-9.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 của nhóm chứng khoán đã được hé lộ tương sối đầy đủ.
1 giờ trước - Các cổ đông sáng lập của công ty đều là những doanh nghiệp trong ngành, trong đó, trong đó nguồn vốn của Nhà nước hiện nay chiếm 31,25 % tổng số vốn điều lệ công ty.
1 giờ trước - BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu.
1 giờ trước - Dòng vốn ngoại liên tiếp bán ròng với cường độ mạnh trên toàn thị trường, giá trị mỗi phiên đều hàng trăm tỷ.
3 giờ trước - Lợi nhuận trước thuế của 19 ‘ông lớn’ nhà nước ước đạt 85.886 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.