ttth247.com

Vì sao TP.HCM loại bỏ nhiều cụm công nghiệp?

Thu hút đầu tư vô cùng khó khăn

Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ "Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Sở Công thương TP đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 23 CCN với diện tích 1.503,92 ha trong tổng số 30 CCN theo quy hoạch trước đây. Trong đó 13 CCN chuyển thành điểm sản xuất công nghiệp hiện hữu; 6 CCN chuyển chức năng do điều kiện hạ tầng hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương; 2 CCN đã chuyển thành khu công nghiệp (CCN An Hạ ở Q.12 và cụm cơ khí ô tô Hòa Phú tại H.Củ Chi); 2 CCN đề xuất chuyển thành khu công nghiệp (KCN) do đáp ứng đủ các điều kiện để có thể chuyển đổi thành KCN hoặc chức năng khác theo định hướng phát triển KT-XH của địa phương.

Ngoài ra, báo cáo đề xuất giữ lại 7 CCN (diện tích 420,75 ha) gồm cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, Láng Le - Bàu Cò, Quy Đức, Xuân Thới Sơn B, Dương Công Khi, Nhị Xuân và Bàu Trăn. Trong đó, cụm Lê Minh Xuân và Nhị Xuân đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp. Các CCN khác đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, đang hoàn tất các thủ tục xây dựng hạ tầng…

Vì sao TP.HCM loại bỏ nhiều cụm công nghiệp?- Ảnh 1.

KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) nằm trong đề án chuyển đổi công năng sau khi kết thúc thời hạn thuê đất

Theo Sở Công thương TP.HCM, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết để định hướng phát triển các CCN phù hợp hơn với tình hình phát triển của TP, đảm bảo yếu tố khả thi để kêu gọi đầu tư, khai thác hợp lý quỹ đất. Việc điều chỉnh này cũng đồng thời kết hợp với các chương trình của TP như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn TP, bổ sung ngành công nghiệp hỗ trợ bên cạnh các KCN.

Hơn nữa, đối tượng chủ yếu hoạt động trong các CCN là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Việc vào các KCN tập trung với DN là tương đối khó khăn vì quy mô sản xuất, vốn đầu tư… Trong khi đó, việc mời gọi, thu hút nhà đầu tư vào các CCN này vô cùng khó khăn. Gần chục CCN nói trên có trong quy hoạch từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa có DN hoạt động. Hoặc một số cụm đã có DN hoạt động nhưng chưa có chủ đầu tư CCN và tỷ lệ lấp đầy chưa tới 50%. Đại diện Sở Công thương cho hay trình tự, thủ tục đầu tư dự án CCN phải qua nhiều cơ quan chuyên môn, nên thời gian đầu tư tương đối dài, khác với KCN thì trình tự, thủ tục đầu tư của DN chỉ phải qua một cơ quan duy nhất là Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất (KCX) TP.HCM (Hepza), trừ việc đánh giá tác động môi trường và phê duyệt PCCC… Thế nên, dù TP rất nỗ lực kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN, nhưng tới nay trong 30 CCN theo quy hoạch cũ vẫn có đến 25 CCN chưa có hạ tầng, vì nhiều nguyên nhân.

Ngay cả việc thu hút và lựa chọn chủ đầu tư tại CCN đã có DN hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn. Đa số DN đã xây dựng nhà xưởng sản xuất theo hiện trạng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... nên ngay cả việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng bao gồm phần đất của các DN hiện hữu và phần đất còn lại theo quy hoạch sẽ không thực hiện được. Bên cạnh đó, chi phí bồi thường cao do đất CCN xen cài trong khu dân cư có giá cao, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và khó thu hồi đất. Rồi quy định toàn CCN khá nhỏ (giai đoạn 1 không quá 50 ha, giai đoạn 2 không quá 75 ha) nhưng chi phí đầu tư lại cao, nên khó hấp dẫn nhà đầu tư...

Chuyển dịch cơ cấu, mô hình KCN

Việc thu hẹp các CCN được xem là phù hợp với định hướng, động lực phát triển mới của TP.HCM. Bởi hiện tại ngành công nghiệp của TP đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động… Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024 mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận: ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố KCX, KCN không còn phù hợp, một số KCN hiện nay nằm trong vùng lõi của TP. Thế nên việc chuyển đổi ngành công nghiệp TP là hết sức cấp bách và cần thiết. 

"Công nghiệp TP.HCM phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chip, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính… Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh…", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Công nghiệp TP.HCM phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chip, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Cuối tháng 6 vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua hồ sơ quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, TP xác định 5 khu vực có vai trò động lực. Cụ thể, khu vực Đô thị trung tâm (các quận) ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch; khu vực TP.Thủ Đức ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; khu vực phía nam (Q.7 và H.Nhà Bè) ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái; khu vực H.Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo; khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kiêm kinh tế. 

Quy hoạch TP.HCM cũng xác định việc hình thành, ưu tiên phát triển một số KCN công nghệ cao (công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, thiết bị robot...). Khuyến khích, có chính sách tái cấu trúc các KCN, KCX hiện hữu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo hướng chuyển dịch nội ngành và phát triển các ngành dịch vụ, có thể đan xen các chức năng đô thị ở tỷ lệ phù hợp.

Vì sao TP.HCM loại bỏ nhiều cụm công nghiệp?- Ảnh 2.

KCX Tân Thuận nằm trong đề án chuyển đổi công năng sau khi kết thúc thời hạn thuê đất

ẢNH: NHẬT THỊNH

Ông Huỳnh Phước Nghĩa (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định theo quy hoạch, TP.HCM là khu đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao. Việc phát triển các CCN hay KCN nói chung phải đi theo quy hoạch này. Đồng nghĩa TP không còn chạy theo số lượng hay phát triển các KCN với quy mô lớn, rộng vài ngàn héc ta như trước đây. Nếu đặt trong hệ sinh thái chung của khu vực Đông Nam bộ thì các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát triển mạnh các KCN, sản xuất công nghiệp. Trong khi TP.HCM cũng không còn nhiều quỹ đất để phát triển các KCN lớn. 

Đó là chưa kể chi phí đất, phát triển hạ tầng cũng sẽ cực kỳ cao. Hay nói cách khác, TP không còn lợi thế với các tỉnh xung quanh để xây dựng KCN và thu hút DN vào đầu tư sản xuất nói chung. Thay vào đó, việc xây dựng các CCN với quy mô nhỏ vẫn phù hợp nhưng cũng phải tập trung theo đúng mục tiêu là thu hút các ngành công nghệ cao như điện tử, cơ khí chính xác, viễn thông. Song song đó, TP cũng phải chuyển đổi các KCN sẽ hết hạn hoạt động để phù hợp quy hoạch chung.

Phát triển công nghệ cao

Dù được định hình là đô thị thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch nhưng theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, TP.HCM không thể loại bỏ hoàn toàn sản xuất công nghiệp. Điều này đồng nghĩa TP vẫn phải phát triển các CCN hay KCN nhưng theo hướng hiện đại, thu hút các đơn vị sản xuất công nghệ cao. Bởi theo ông, ngay cả Singapore được xem là trung tâm tài chính, dịch vụ của cả khu vực ASEAN nhưng vẫn phải có hoạt động sản xuất. 

Tại TP.HCM, các trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại chỉ phát triển ở vùng trung tâm lõi và quy hoạch sắp tới cũng vậy. Với những vùng khác như Nhà Bè hay khu vực Tây Bắc gồm Hóc Môn, Củ Chi thì các hoạt động đó khó phát triển. Vì vậy, TP vẫn cần kết hợp giữa hoạt động thương mại, tài chính, dịch vụ kết hợp với sản xuất, y tế, giáo dục… Chẳng hạn, nếu như ở nhiều nước, y tế và giáo dục dần dần cũng phát triển thành dịch vụ thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nguồn thu thì TP chưa thể phát triển được các lĩnh vực này. 

Do đó, TP vẫn phải cần có KCN để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, gia tăng thu nhập. Khi thu nhập tăng thì cũng góp phần tác động phát triển thương mại, dịch vụ. Vấn đề là TP phải quy hoạch và phát triển đúng các CCN nói riêng và KCN nói chung để thu hút các ngành nghề kỹ thuật cao, tự động hóa với lực lượng lao động chính là công nhân kỹ thuật. Ví dụ, có thể xây dựng các CCN phù hợp cho các công ty quy mô nhỏ trong lĩnh vực sáng tạo, công nghệ vừa sản xuất và làm văn phòng với diện tích mặt bằng không quá lớn nhưng doanh thu sẽ ngày càng tăng.

"Việc quy hoạch xây dựng các thành phố mới trực thuộc TP.HCM với phần lớn là đất nông nghiệp vẫn phải gắn liền quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Từ đó thu nhập của một bộ phận người dân và nguồn thu của TP cũng từ hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung. Quan trọng là quy hoạch, phát triển các CCN phù hợp theo hướng công nghệ cao hơn, không thâm dụng đất đai hay lao động như các ngành sản xuất trước đây", TS Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.

Còn theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98, đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCN - KCX tại TP.HCM đang được triển khai và xây dựng trên nền tảng số, xanh và từ đó giúp lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. VN nói chung và TP.HCM nói riêng có tiềm năng để phát triển các ngành công nghệ cao như phần mềm, chip bán dẫn... Các ngành này sẽ góp phần để TP.HCM chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và đi đầu cả nước. Đây mới là những ngành có khả năng tăng năng suất 30 - 40% mỗi năm chứ không phải các ngành truyền thống. Thế nên, các chính sách phải tháo gỡ, đột phá cần thiết để việc chuyển đổi này thành công.

Chuyển đổi 5 KCX, KCN trên địa bàn TP.HCM

Theo đề án thí điểm, KCX Tân Thuận (Q.7) sau khi kết thúc thời hạn thuê đất sẽ chuyển đổi thu hút các dự án công nghệ cao. KCN Cát Lái (TP.Thủ Đức) chuyển đổi thành KCN chuyên ngành logistics. KCN Tân Bình (Q.Tân Phú và Q.Bình Tân) sau khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2047 chuyển sang mô hình KCN dịch vụ công nghệ cao. KCN Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) chuyển đổi sang mô hình KCN dịch vụ logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế… KCN Hiệp Phước sẽ chuyển đổi thành mô hình KCN sinh thái.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCN và KCX TP.HCM (Hepza), cho biết quy hoạch đất KCX-KCN trên địa bàn TP còn ít, chưa tới 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, phần còn lại vướng về thủ tục pháp lý, bồi thường, da beo. Chính vì quỹ đất còn lại khá hạn hẹp nên Hepza muốn các dự án vào TP là những dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tỷ suất đầu tư cao, ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp cao. Trước năm 2020, tỷ suất đầu tư trong KCN khá thấp, khoảng 5,5 triệu USD/ha, trong mấy năm trở lại đây tăng trung bình từ 8,5 - 9 triệu USD/ha, năm 2023 vừa qua vọt lên đến 12,5 triệu USD/ha. Với 5 KCX-KCN chuyển đổi, dù đang trong giai đoạn viết đề án chuyển đổi thí điểm, nhưng nếu phù hợp định hướng chuyển đổi thì sẽ chuyển. Hepza được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ xây dựng chương trình cụ thể thực hiện, trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn chuyển đổi, thích ứng trong giai đoạn mới…

Chuyển đổi KCN, tăng mảng xanh cho TP

Việc chuyển đổi các CCN, KCN trên địa bàn TP sẽ đi theo quy hoạch chung. Trong đó, những KCN hiện hữu khi hết thời gian cho thuê đất có thể chuyển sang mô hình KCN mới sẽ cần có sự đánh giá chi tiết để thu hút lại DN. Chung quy vẫn thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, giảm khí thải, bảo vệ môi trường và theo những đặc thù của TP.HCM. Khi chuyển đổi sang mô hình KCN mới, hiện đại, đã có những tiêu chí cụ thể chung như KCN sinh thái, KCN xanh thì trong đó diện tích dành cho mảng xanh, sinh thái đã có quy định. Ví dụ, KCX Tân Thuận sẽ hết hạn thuê đất vào năm 2041. Nơi đây được đề xuất chuyển đổi công năng sang phát triển công nghệ cao như đề án thí điểm đã đưa ra là sẽ tăng mảng xanh trong khu vực này. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một phần diện tích tạo không gian công cộng cho người dân, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại…

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, ĐH Kinh tế TP.HCM

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Đó là nội dung nổi bật được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh tại Hội nghị "Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP.HCM", do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiều nay (3.10).
1 tháng trước - Dịch cúm gia cầm quét sạch vốn, nhưng từ đây ông Trương Chí Thiện đứng dậy, xây nên Vĩnh Thành Đạt; qua đại dịch COVID-19, ông lại cho ra mắt loạt sản phẩm đặc biệt.
2 tuần trước - Tập đoàn AEON đã mở rộng kinh doanh sang 13 quốc gia ở châu Á – Úc và họ đã chọn Việt Nam để đầu tư trọng điểm do nhận thấy những lợi thế vượt trội của mình ở thị trường này. Việc Việt Nam chiếm 92% lợi nhuận toàn khu vực ASEAN trong quý...
1 tháng trước - Trong bối cảnh thị trường bất động sản phải trải qua hơn 2 năm chững lại và đối diện nhiều thách thức, thì nhà ở vừa túi tiền đã trở thành phân khúc thu hút sự quan tâm của dư luận và người mua nhà ở thực.
1 tháng trước - Là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới, từng là hình mẫu để VN học hỏi về nông nghiệp nhưng hiện nay Thái Lan đang có nhu cầu rất lớn nhập khẩu các loại rau củ tươi và trái cây Việt.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Lợi nhuận trước thuế của 19 ‘ông lớn’ nhà nước ước đạt 85.886 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.
1 giờ trước - TP.HCM và tỉnh Đồng Nai triển khai hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đưa sản phẩm chất lượng vào hệ thống phân phối lớn.
1 giờ trước - Công ty CP Vinhomes đính chính, các giao dịch vẫn được triển khai trong khoảng thời gian kể từ ngày 23/10, nhưng ngày kết thúc sẽ thay đổi từ 22/11 sang 21/11. Mỗi ngày, Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu...
1 giờ trước - Thị trường hoa dịp 20/10 bắt đầu trở nên nhộn nhịp với nhiều phân khúc giá khác nhau. Ở phân khúc hoa tươi, cây cảnh cao cấp, những lẵng sen đá tiền triệu hút khách, đặc biệt hơn là sự xuất hiện của loại hoa hoàng đế có giá lên tới...
2 giờ trước - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) ngày 18/10 công bố quyết định bổ nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với hai phó tổng giám đốc mới.