ttth247.com

TP.HCM tiêu thụ nhiều thực phẩm từ Đồng Nai, giờ bắt tay kiểm soát chất lượng

Chiều 18-10, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.

"Không thể sống thiếu nhau"

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lâm Sinh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho biết là tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.

Đối với chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay Đồng Nai đã xây dựng và triển khai được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn, chủ yếu thịt heo, gà, trứng, sản phẩm chế biến... 

Hiện sản lượng hằng tháng của địa phương đạt gần 16.000 tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa (13.887 tấn thịt, 1.490 tấn sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, 508 tấn rau, nấm) và hơn 10 triệu quả trứng...

"Phần lớn trong số sản phẩm nông nghiệp thực phẩm được địa phương sản xuất ra là cung cấp cho thị trường TP.HCM. Có thể nói TP.HCM và Đồng Nai không thể sống thiếu nhau, cần hợp tác để cùng nhau đi lên", ông Sinh nhận định.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định việc chọn Đồng Nai là tỉnh thành đầu tiên để ký kết nhằm triển khai nâng cao quản lý chất lượng hàng hóa là cần thiết, bởi đây là địa phương cung cấp phần lớn thịt heo, gà, trứng cho hơn 10 triệu dân TP.HCM.

Cũng theo ông Phương, hiện TP.HCM đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi nhất về đảm bảo an toàn thực phẩm, là địa phương đầu tiên trong cả nước có Sở An toàn thực phẩm, có những đề án lớn và dài hơi trong việc giám sát an toàn thực phẩm.

Còn nhiều lo lắng, hạn chế trong việc kiểm soát

Theo ông Sinh, dù sản xuất nhiều và chất lượng sản phẩm được cải thiện nhưng hiện nay sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết chưa tương xứng với sản lượng. 

Phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái, khâu sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, thậm chí còn đâu đó nỗi lo trong việc kiểm soát các tồn dư về kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...

"Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, đưa nông sản vào các chuỗi siêu thị giúp nhà sản xuất ý thức hơn trong việc phải nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, chương trình cần thông tin cụ thể, xuyên suốt, minh bạch để các nhà cung cấp hiểu, sớm thay đổi cho phù hợp", ông Sinh đánh giá.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Hà - đại diện Công ty Cohafood (Đồng Nai) - cho biết là đơn vị chuyên sản xuất giò chả nguyên chất, không dùng phụ gia, nhưng đơn vị cũng áp lực với khâu quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đầu vào... 

Do đó, cần TP.HCM thông tin rõ hơn quy định, và cần sự hỗ trợ, tập huấn.

Nhiều đơn vị sản xuất cho rằng liên kết kiểm soát là tốt nhưng khâu quan trọng nhất là cần kiểm soát chất lượng đầu vào, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... để khâu sản xuất được lành mạnh.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng giá cả và chất lượng là yếu tố quyết định đến sản phẩm. Sản phẩm chất lượng thường có giá cao, nhưng nếu không phân biệt được thì rất khó để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại chất lượng thấp. 

Vì vậy, khi nhà sản xuất nâng cao chất lượng, các cơ quan nhà nước sẽ xác nhận, minh bạch mọi thứ để người tiêu dùng lựa chọn.

"Dự kiến đầu năm 2025, TP triển khai dán logo cho sản phẩm tham gia chương trình, đây như "tích xanh trách nhiệm", điều này giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được để lựa chọn sản phẩm", ông Phương nói.

Tại hội nghị, ba nhà phân phối lớn của TP.HCM gồm SATRA, Bách Hóa Xanh và Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ hàng hóa với 10 nhà cung cấp Đồng Nai. Các mặt hàng của các nhà cung cấp chủ yếu gà thịt, khô gà, rau củ quả tươi và chế biến...

Ngoài Đồng Nai, ngành công thương TP cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy việc ký kết này, đặc biệt ở các tỉnh thành có lượng hàng thực phẩm đưa về TP nhiều như Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Thuận...

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang cấp tập sản xuất, tăng nguồn hàng vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc đáp ứng nhu cầu bà con vùng bão lũ.
1 tháng trước - Do ảnh hưởng bão lũ khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm ở các tỉnh phía bắc tăng cục bộ ở một số nơi. Các nhà cung cấp đang tích cực tăng cường đưa hàng từ miền Nam ra phía bắc để đảm bảo tốt nhất phục vụ nhu cầu thị trường.
1 tuần trước - Liên tục mở cửa hàng, gia tăng điểm bán, doanh thu ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng, nhưng GS25, FamilyMart, Ministop, 7-Eleven… năm nào cũng đều đặn báo lỗ.
3 tuần trước - Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm có hạ tầng giao thông, quy hoạch bài bản, Bình Dương hiện đang là vùng đất thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
2 tuần trước - Số lượng cụm công nghiệp tại TP.HCM sẽ giảm mạnh trong quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển mới.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 của nhóm chứng khoán đã được hé lộ tương sối đầy đủ.
1 giờ trước - Các cổ đông sáng lập của công ty đều là những doanh nghiệp trong ngành, trong đó, trong đó nguồn vốn của Nhà nước hiện nay chiếm 31,25 % tổng số vốn điều lệ công ty.
1 giờ trước - BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu.
1 giờ trước - Dòng vốn ngoại liên tiếp bán ròng với cường độ mạnh trên toàn thị trường, giá trị mỗi phiên đều hàng trăm tỷ.
3 giờ trước - Lợi nhuận trước thuế của 19 ‘ông lớn’ nhà nước ước đạt 85.886 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.