ttth247.com

Uống rượu tại đám cưới, 1 người chết, 3 người đang cấp cứu tại bệnh viện

Chuyên gia chống độc lo ngại nhiều người khác trong đám cưới bị ngộ độc cồn công nghiệp, dù chưa có các biểu hiện cụ thể ra bên ngoài, nhưng đã bị tổn thương ngầm bên trong.

Buồn nôn, đau đầu, tử vong sau bữa rượu

Hôm nay 29.7, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Chống độc của bệnh viện mới đây tiếp nhận các trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Trong đó, có 4 bệnh nhân cùng uống rượu tại một đám cưới.

Uống rượu tại đám cưới, 1 người chết, 3 người đang cấp cứu tại bệnh viện- Ảnh 1.

Bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn methanol đang được lọc máu tại Trung tâm Chống độc

4 bệnh nhân nhập viện do có biểu hiện mệt nhiều, chóng mặt, mờ mắt, có trường hợp xuất hiện khó thở. Các triệu chứng này xuất hiện khoảng 2 ngày sau khi cùng uống rượu tại đám cưới ở H.Thường Tín (Hà Nội).

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thông tin với các bác sĩ điều trị, nam bệnh nhân T.X.T (35 tuổi) cho biết, trong mâm cỗ đám cưới có 5 người uống rượu. Cả 5 người đều uống 2 - 3 bữa, riêng bữa rượu chiều chủ nhật (21.7) uống nhiều nhất. Trong đó, có 1 người tử vong. 4 người còn lại đều đang điều trị tại Trung tâm Chống độc.

"Sau khi uống bữa rượu cuối cùng vào chiều tối chủ nhật (21.7), tôi thấy rất mệt, ngủ li bì hơn 2 ngày, không thể dậy nổi. Vợ tôi thấy vậy thì nghĩ tôi chỉ bị say rượu. Đến chiều thứ ba (23.7) khi quá mệt, buồn nôn, chóng mặt, đau người và nghe thông tin có 1 người mất, tôi lo lắng và bảo vợ đưa đi khám", bệnh nhân T. chia sẻ.

Tổn thương ngầm

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết 4 bệnh nhân nêu trên nhập viện trong tình trạng đau đầu, có người bị giảm thị lực, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu rất cao.

Uống rượu tại đám cưới, 1 người chết, 3 người đang cấp cứu tại bệnh viện- Ảnh 2.

Trung tâm Chống độc xét nghiệm mẫu rượu các nạn nhân ngộ độc uống tại đám cưới ở H.Thường Tín (Hà Nội)

NGUYÊN HÀ

Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34% trong khi ethanol (cồn thực phẩm trong rượu) chỉ có 14,4%.

"Chắc chắn đây là loại rượu rởm, được pha với cồn công nghiệp methanol chứ không phải rượu gạo, rượu truyền thống", bác sĩ Nguyên nhận định.

Theo Trung tâm Chống độc, cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển thành axít formic gây tổn thương các cơ quan, đặc biệt là thần kinh thị giác và não. Methanol không khó uống, vị thậm chí hơi ngọt, uống vào cũng gây say tương tự như rượu thông thường nên dễ bị bỏ qua.

Tuy nhiên, rất nguy hiểm sau đó, methanol chuyển hóa từ từ, kín đáo và gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Khi có biểu hiện ra bên ngoài thì đã tổn thương rất nhiều, thậm chí mất hẳn chức năng cơ quan hoặc tử vong.

"Chúng tôi lo ngại số lượng người uống rượu và nhiễm độc có thể sẽ nhiều hơn con số 4 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc vì số lượng người đến đám cưới chắc rất đông. Trong đó, những người uống rượu, nguy cơ ngộ độc sẽ khá cao, nhưng chưa có biểu hiện", bác sĩ Nguyên lưu ý.

Theo Trung tâm Chống độc, qua thực tế nhiều vụ ngộ độc cồn công nghiệp methanol, bên cạnh các ca tử vong, ngộ độc nặng, các bác sĩ cũng gặp các ca biểu hiện bình thường nhưng khi chủ động xét nghiệm thì nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao và phải lọc máu, giải độc. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh nhân này có thể bị tổn thương một phần mắt và não.

Ngoài 4 bệnh nhân trên, sáng 24.7, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận nam bệnh nhân H.V.T (49 tuổi, ở H.Phổ Yên, Thái Nguyên) ngộ độc cồn công nghiệp methanol.

Trước nhập viện, bệnh nhân này đã uống rượu liên tiếp trong 3 ngày. Sau đó, bệnh nhân nhìn mờ, mệt, rối loạn ý thức. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng hôn mê và đang phải thở máy. Xét nghiệm xác định lượng cồn công nghiệp methanol trong máu bệnh nhân rất cao.

"Các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol không để tuồn ra ngoài vào tay kẻ xấu, tránh việc pha thành các rượu rởm, cồn y tế sát trùng rởm, gây ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng", Giám đốc Trung tâm Chống độc nêu kiến nghị.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Liên quan các ca ngộ độc sau khi uống rượu tại đám cưới ở H.Thường Tín (Hà Nội), kết quả xét nghiệm xác định, 2 mẫu rượu táo mèo tại đám cưới và tại nhà bệnh nhân bị ngộ độc đều chứa cồn công nghiệp methanol với mức rất cao.
1 tháng trước - 1 người tử vong và 4 người đang được cấp cứu điều trị do ngộ độc methanol sau khi uống phải rượu không rõ nguồn gốc.
1 tháng trước - Rượu ngâm táo mèo mua tại tỉnh Vĩnh Phúc, dùng trong đám cưới ở Hà Nội, có thể là nguyên nhân gây vụ ngộ độc rượu khiến một người tử vong, 4 người cấp cứu.
1 tháng trước - Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu làm 5 người ngộ độc tại Hà Nội, trong đó 1 người tử vong, cho thấy hàm lượng methanol cao hơn 40 lần ngưỡng cho phép.
1 tháng trước - Hà Nội- Rượu ngâm táo mèo gây ngộ độc cho 5 người trong đám cưới ở Thường Tín có hàm lượng methanol gấp hơn 40 lần ngưỡng cho phép.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.