ttth247.com

'Vì sao tư nhân nhập vắc xin về tiêm được, hệ thống nhà nước lại không'

Chiều 7.10, báo cáo công tác dân nguyện tháng 9 tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phản ánh lo lắng của cử tri, nhân dân trước tình trạng thiếu thuốc, vắc xin và vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập, do những vướng mắc về đấu thầu mua sắm.

'Vì sao tư nhân nhập vắc xin về tiêm được, hệ thống nhà nước lại không'- Ảnh 1.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Trong kiến nghị, Ban dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra, giải quyết khó khăn về thiếu thuốc, vắc xin, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế công lập.

Trong báo cáo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ông Dương Thanh Bình cho rằng, Bộ Y tế chậm trễ trong việc ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 để các địa phương có thể triển khai thực hiện.

Ông Bình dẫn các báo cáo của nhiều địa phương cho biết, thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ cuối năm 2022, đến tháng 9 vừa qua vẫn xảy ra tình trạng này.

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cơ quan này cũng đề nghị xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin trong thời gian qua.

Vấn đề thiếu thuốc, vật tư, phương tiện khám, chữa bệnh cũng được Đoàn Chủ tịch T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề cập trong dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp 8 dự kiến khai mạc từ 21.10 tới.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam cho biết, đây là phản ánh của các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Long An, Quảng Bình, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Ninh, Bình Phước… T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và một số ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

'Vì sao tư nhân nhập vắc xin về tiêm được, hệ thống nhà nước lại không'- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương báo cáo tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Bà Hương cho hay, do đại dịch Covid-19 dẫn đến tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn. Từ năm 2020 - 2023 rất nhiều trẻ em không được tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng thường xuyên ở hầu hết các quốc gia, trong đó, có Việt Nam.

Về ý kiến cho rằng năm 2024 Bộ Y tế chậm ban hành kế hoạch về tiêm chủng mở rộng, bà Hương nói nhu cầu vắc xin là bộ tổng hợp từ các địa phương chứ không phải bộ tự ngồi tính toán. "Chúng tôi có 3 văn bản đôn đốc, nhưng nhiều địa phương đôn đốc rất nhiều lần mới gửi lên. Thậm chí đến tháng 6, có những nơi gửi văn bản lên còn chưa có chữ ký của lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở.

Về việc thiếu thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bà Hương cho hay có nhiều nguyên nhân. Theo đó, một số đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu, một số trường hợp có tâm lý quen sử dụng thuốc có tên thương mại theo đúng kết quả trúng thầu của năm trước, không muốn sử dụng thuốc có tên thương mại mới theo kết quả trúng thầu năm sau, mặc dù có cùng hoạt chất, gây nên thiếu thuốc ảo. Việc này dẫn đến nhân viên y tế phải giải trình cho người bệnh khi kê đơn.

Bên cạnh đó, là các nguyên nhân về đấu thầu và do mô hình bệnh tật thay đổi, phát triển kỹ thuật mới nên dự trù chưa sát với thực tế, xuất hiện một số bệnh hiếm gặp nên không kịp mua sắm...

Bà Hương cũng phản ánh, một số cơ sở thiếu chủ động trong lập kế hoạch mua sắm, tâm lý e dè trong đấu thầu, mua sắm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, thời gian qua bộ này đã rất khẩn trương, tập trung giải quyết, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, thiết bị, vật tư. Trong đó, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản tháo gỡ...

Có bệnh nặng, phải mổ sớm nhưng có khi phải đặt lịch 6 - 7 tháng

Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư và cả vắc xin tiêm chủng mở rộng rất nhiều. Song nếu không có giải pháp hữu hiệu thì tình trạng này sẽ tiếp diễn, không giải quyết được.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, không để kéo dài tình trạng thiếu vắc xin, thiếu thuốc cho khám, chữa bệnh vì việc này dẫn đến nhiều tiêu cực.

'Vì sao tư nhân nhập vắc xin về tiêm được, hệ thống nhà nước lại không'- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

"Nhiều bệnh nặng, bệnh cần điều trị sớm, mổ sớm nhưng vì thiếu thuốc, phương tiện, vật tư nên có khi phải đặt lịch 6 - 7 tháng. Khi đó, cơ hội để người bệnh được chữa bệnh, có cơ hội để sống rất khó khăn", bà Thanh nêu.

Về phía ngành y tế, bà Thanh đề nghị có kiểm tra, đánh giá và gắn trách nhiệm với địa phương. Theo đó, có thể công khai các địa phương làm tốt, địa phương làm chưa tốt.

"Chúng tôi được biết, có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc thiếu thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị, vật tư tiêu hao dẫn đến câu chuyện cùng một loại sinh phẩm nhưng giá ra Hà Nội khác, giá địa phương khác, thậm chí chênh nhau tới 5 - 7 lần", bà Thanh phản ánh.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng dẫn ví dụ, hiện nay một máy chạy thận chỉ quy định chạy 3 ca một ngày nhưng vì thiếu máy nên chạy 4 ca. Điều này dẫn đến nguy cơ bị lỗi kỹ thuật, lỗi chuyên môn như vụ việc tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình trước đây rất dễ xảy ra.

"Tình trạng không có máy, máy hỏng, nhưng không mua được là rất phổ biến. Chúng tôi thấy Bộ Y tế rất nỗ lực nhưng tình trạng này cải thiện không được nhiều", bà Thanh nói, đồng thời đề nghị các địa phương cũng phải vào cuộc, chứ một mình Bộ Y tế thì làm không xuể.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng khẳng định việc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là "có thật" do việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc.

"Không chỉ máy chạy thận mà thiếu từ bông, băng, gạc, kim tiêm, ống truyền… Bệnh nhân vào viện sẽ phải mua từ cơ sở y tế quanh đấy, hoặc cửa hàng ngay cổng viện để thực hiện các thủ thuật đơn giản", bà Hải nói và đề nghị Bộ Y tế phải làm rõ việc không đấu thầu được thì vướng mắc ở đâu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế phải quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hay câu chuyện chậm trễ trong vắc xin tiêm chủng. "Có bệnh viện làm tốt nhưng có bệnh viện đổ thừa chuyện này, chuyện nọ, không đấu thầu được, không mua được, thiếu thứ này thứ nọ để không làm", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác lập kế hoạch vắc xin, tuyên truyền tiêm chủng phòng ngừa cũng chưa mạnh. "Vì sao đơn vị tư nhân nhập về tiêm được mà hệ thống nhà nước không nhập được, không tiêm được? Đề nghị ngành y tế hết sức quyết liệt chỉ đạo mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, chuyển viện, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về thủ tục hành chính", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Ngày 7.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 38, cho ý kiến các báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 7 và báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV sắp tới.
2 tuần trước - Sau một tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc xin sởi cho trẻ từ 1- 5 tuổi trên địa bàn TP.HCM về lý thuyết đã đạt trên 95%.
1 ngày trước - Phòng khám phụ khoa hoạt động trái phép, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội các dịch vụ chữa sùi mào gà, cắt trĩ, thẩm mỹ 'cô bé'...
1 tháng trước - Đang hết mùa khoai tây và các chủ vựa ở Lâm Đồng “phù phép” khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt, lừa người tiêu dùng.
2 tuần trước - Từ chiếc sừng trâu, sừng bò xù xì nhưng khi qua tay thợ lành nghề đã ra những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Chỉ riêng lược cả trăm loại dùng cho tóc thẳng, tóc xoăn; loại răng thưa, răng nhỏ, răng dày và đủ kiểu dáng, hoa văn được bán ra...
Xem tin bài khác
31 phút trước - Để phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng phải đi trước một bước. Thế nhưng rất nhiều dự án cầu đường chậm tiến độ, hệ quả là kẹt xe, khó thu hút đầu tư, tăng thêm chi phí.
31 phút trước - Theo thượng tá Đoàn Văn Quới, phó trưởng Phòng PC08, việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại làm giảm đáng kể khả năng tập trung quan sát, phán đoán và tốc độ phản ứng của người lái xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
1 giờ trước - Để góp thêm tiếng nói, tìm kiếm giải pháp phát triển thị trường dược phẩm trong nước bằng công cụ chuyển đổi số, báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số.
1 giờ trước - TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đang trong đợt triều cường cao nhất năm, lặp lại mốc lịch sử 1,8m của tháng 9-2019.
1 giờ trước - Sáng 18-10, phiên đấu giá điểm mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) bắt đầu và được kết thúc lúc… 4h08 phút tảng sáng 19-10. Giá khởi điểm 1,4 tỉ đồng nhưng chốt phiên tới 370 tỉ đồng.