ttth247.com

'Xóm' lao động châu Phi ở Hà Nội

Mouhya cùng hai người đồng hương nhìn quanh rồi mạnh dạn bước vào quán cơm trên phố Tứ Liên, quận Tây Hồ, trưa ngày cuối tháng 10.

"Thật dễ chịu khi không còn ai nhìn chúng tôi hiếu kỳ như hồi mới đến", chàng trai 28 tuổi người Somali nói. Người bạn của Mouhya chìa điện thoại ghi tên mấy món ăn cho chị Nguyễn Thị Thảo (chủ quán) rồi lặng lẽ ngồi vào bàn.

"Họ không biết tiếng Việt nên chúng tôi giao tiếp với nhau hoàn toàn bằng công cụ dịch trên điện thoại", chị Thảo giải thích.

Gần ba tháng qua, người dân ở phường Nhật Tân, Tứ Liên, quận Tây Hồ không còn xa lạ với từng tốp đàn ông da đen đi lại trên phố hoặc làm thuê các công việc tay chân như rửa bát, bốc vác ở các vườn đào, quất.

Anh Đỗ Ngọc Hạnh, 36 tuổi, chủ một khu nhà trọ trên địa bàn cho biết những người này đa số đến từ các nước châu Phi, đang trọ trong các căn hộ của anh.

"Hơn 150 người đang thuê trọ ở chỗ tôi. Họ gồm cả nam giới, phụ nữ sống một mình hay hộ gia đình có trẻ con", anh Hạnh nói. Cách đây hơn ba tháng có vài người nước ngoài đến thuê rồi mách nhau, đến nay cả ba ngôi nhà gần như kín chỗ.

Những người châu Phi này chủ yếu mang quốc tịch Nigeria, Ghana, Somali. Một số sang Việt Nam với ý định làm giáo viên tiếng Anh nhưng không kiếm được việc nên phải làm lao động chân tay để kiếm sống.

"Họ nói các trung tâm Anh ngữ ở Việt Nam chỉ tuyển giáo viên bản ngữ nên rất khó xin việc. Một số khác chủ đích sang đây với hy vọng đổi đời do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn", anh Hạnh nói.

Một người lao động châu Phi được thuê dọn dẹp cho một chủ vườn ở Tứ Liên sau lũ, đầu tháng 10. Ảnh: Hà Trang

Một lao động châu Phi được thuê dọn dẹp cho một chủ vườn ở Tứ Liên sau lũ, đầu tháng 10. Ảnh: Hà Trang

Manfred Fregene, 42 tuổi, làm bốc vác từ khi mới đặt chân đến đây hồi tháng 5. Mỗi giờ anh được trả 50.000 đồng. Thu nhập mỗi ngày đủ để mua thức ăn cho 8 người con, 5 trai, 3 gái, từ 1-16 tuổi.

Fregene kể từng kinh doanh nhà đất ở Nigeria nhưng mấy năm nay kinh tế khó khăn, an ninh bất ổn. Mong có cuộc sống an toàn hơn, anh định đưa cả gia đình sang Canada nhưng cuối cùng lại chuyển hướng đến Việt Nam.

"Một số bạn bè tôi đang ở Việt Nam nói đây là một đất nước đáng sống, an toàn nên tôi muốn sang lập nghiệp", người đàn ông Nigeria nói. Thuê một phòng trong ngôi nhà ba tầng có thêm hơn chục đồng hương giúp gia đình anh bớt cảm giác sống ở xứ người.

Ở nhà trọ cách Fregene khoảng 500 mét, chị Deborah, 46 tuổi, người Nigeria, đến Việt Nam với kỳ vọng có thu nhập tốt để thay đổi cuộc sống. 5 tháng sang đây, Deborah kiếm được công việc dạy tiếng Anh ở Thái Bình, lương 450.000 đồng mỗi giờ. Vài tuần trước, trung tâm không ký tiếp hợp đồng trong khi visa còn hạn gần hai năm nữa nên Deborah thuê nhà trọ ở quận Tây Hồ chờ tìm việc. Trong thời gian này, chị nhận làm mọi thứ từ phụ vữa, bốc vác cho đến dọn dẹp nhà cửa.

Manfred Fregene và các con trong nhà trọ ở Nghi Tàm, Quảng An, Tây Hồ, hôm 15/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Manfred Fregene và các con trong nhà trọ ở Nghi Tàm, Quảng An, Tây Hồ, hôm 15/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Mouhya sang Việt Nam từ tháng 8 theo visa làm việc ba tháng. Anh biết Việt Nam qua truyền thông và một số người bạn. "Tôi có kỹ năng về sư phạm. Khi còn ở Somali tôi là giáo viên nên muốn tiếp tục công việc này khi đến đây", chàng trai Somali 28 tuổi nói.

Hai tháng đầu, anh làm giáo viên tiếng Anh ở ngoại thành Hà Nội, mỗi giờ được trả 420.000 đồng. Ba tuần nay Mouhya thất nghiệp. Dù mang kỳ vọng có thu nhập và cuộc sống tốt hơn, nhưng tuần sau visa hết hạn, việc chưa tìm được, anh dự định sẽ về nước.

Deborah trong nhà trọ ở Tứ Liên, Tây Hồ, hôm 15/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Deborah, 46 tuổi, người Nigeria trong nhà trọ ở Tứ Liên, Tây Hồ, hôm 15/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ quán cơm trên phố Tứ Liên, thường giúp những lao động châu Phi bằng cách thuê họ rửa bát, phụ nhặt rau để đổi cơm trưa, tối, dù đủ nhân viên. Thi thoảng người dân quanh khu vực muốn tìm người phụ bốc vác, làm việc ở công trình xây dựng hay trên đồng ruộng, chị giới thiệu giúp.

"Họ thân thiện, nhiều người hiền lành nhưng bất đồng ngôn ngữ nên khó giao tiếp", chị nói.

Một người dân phường Tứ Liên cho biết từng thuê một số lao động châu Phi phụ giúp khi xây, sửa nhà. Nhược điểm của những lao động này là không thạo việc và khéo léo như người Việt, thường đòi giá cao hơn mặt bằng chung. "Tôi thuê họ vì muốn giao tiếp tiếng Anh chứ muốn công việc hiệu quả sẽ thuê lao động Việt", anh nói.

Chủ nhà trọ Đỗ Ngọc Hạnh cũng cho biết để giúp đỡ những người châu Phi thất nghiệp, anh và một số người bạn lập một nhóm chat trên Zalo giới thiệu việc làm. Những người chịu gánh nặng cơm áo như anh Manfred Fregene hay chị Deborah có nhu cầu tìm việc thật và chăm chỉ. Số người khác ngại việc, trễ giờ và từng bị lừa nên hay mặc cả khi đi làm, khiến người thuê không hài lòng.

Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết có ghi nhận một bộ phận người châu Phi sinh sống trên địa bàn một thời gian dài. Do không tìm được việc làm theo đúng mục đích, nhóm người này phải bươn chải nhiều nghề như bốc vác, chạy việc vặt. "Việc quản lý nhóm lao động này cũng gặp nhiều khó khăn bởi họ không có công việc cố định", đại diện quận nói.

Ông cũng cho biết thêm, công an quận Tây Hồ đã liên hệ với các đại sứ quán quản lý các lao động trên để nắm bắt thông tin. Với các trường hợp quá hạn visa, cơ quan chức năng đang thống kê và sắp xếp kế hoạch để đưa họ về nước.

Tiến sĩ Kiều Thanh Nga, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết một số nước châu Phi có điều kiện kinh tế khó khăn nên người lao động có nhu cầu xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để tìm kiếm việc làm có thu nhập và cuộc sống tốt hơn.

Với các "xóm lao động châu Phi" ở Việt Nam, chính quyền cần kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên để biết tình trạng lao động và thời hạn visa, cũng như phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán các nước để giải quyết những trường hợp phát sinh.

"Người châu Phi thật thà và thân thiện nhưng công việc không ổn định, thất nghiệp kéo dài dễ dẫn đến tình trạng mất trật tự an ninh, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật", bà Nga nói.

Phạm Nga - Quỳnh Nguyễn

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Quảng Trị là tỉnh thành đông ứng viên gửi hồ sơ đăng ký học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ nhất. Hàng trăm hoàn cảnh nghèo, có số phận khó khăn cùng cực, tương ứng với hàng trăm nghị lực vươn lên, và khát khao trở thành bác...
1 tháng trước - 'Xóm trọ ung thư' nơi hàng nghìn bệnh nhân của Bệnh viện K Tân Triều đang hàng ngày chiến đấu với bệnh tật bằng sự lạc quan và tình yêu thương giữa con người với con người.
1 tháng trước - Kim Oanh vẫn nhớ một ngày mùa đông 7 năm trước, cô dắt hai con rời khỏi căn nhà ở tỉnh Gyeonggi, kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc, dù tương lai mờ mịt.
3 ngày trước - TP HCM- 13 năm trước, Hoàng Anh mất mẹ, hai tháng sau cô bé 6 tiếp tục bị xe tải cán nát chân, cánh cửa cuộc đời tưởng như đã đóng sập trước mắt.
1 tuần trước - Gia đình nghèo khó, bố bị tâm thần phân liệt, Nguyễn Thị Sang quyết tâm tìm các suất học bổng để được đi học đại học và nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp.
Xem tin bài khác
23 phút trước - Tin tức Đào tạo bác sĩ: Nghịch lý học phí và lương; Vàng 'nóng bỏng tay', nhưng khó mua bán; Mỹ 'bó tay' với Israel?… là các thông tin nổi bật bạn đọc có thể đón xem trên Báo Thanh Niên số ra ngày 24.10.2024.
4 giờ trước - Trung Quốc - Một người đàn ông lớn tuổi kéo tay thai phụ, ép cô nhường chỗ trên tàu điện ngầm Nam Kinh số 2 lúc 8h ngày 21/10.
9 giờ trước - Dù tuổi đã cao, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, một đối tác tài xế của nền tảng giao hàng siêu tốc Lalamove, vẫn cần mẫn giao hàng mỗi ngày bất kể nắng mưa, xem việc tự mình mưu sinh là một loại hạnh phúc chứ không phiền con cháu.
9 giờ trước - Lễ hội nước mắm lần thứ nhất tại TP.HCM diễn ra từ ngày 23 - 27.10 tại Q.1. Người dân TP.HCM có nhiều sự lựa chọn khi đến lễ hội này.
9 giờ trước - Trong loạt ảnh mới, nàng hot girl Thái Lan Niparat Konyai không mặc nội y, chỉ diện mỗi tạp dề vào bếp.