ttth247.com

Xuất huyết tiêu hóa gia tăng ở trẻ em - chuyện đáng lưu ý

Nguyên nhân nào khiến trẻ em lại mắc chứng xuất huyết tiêu hóa này?

Ngỡ ngàng nhiều trẻ xuất huyết tiêu hóa

Gần đây, Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận bệnh nhi ở lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông nhập viện do xuất huyết dạ dày.

Điển hình là trường hợp của em T.V.K. (16 tuổi, Hà Nam) đến bệnh viện thăm khám với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài phân đen, đau bụng. Qua nội soi và làm các xét nghiệm, K. được các bác sĩ chẩn đoán mắc xuất huyết tiêu hóa do loét hoành tá tràng, có nhiễm vi khuẩn H.pylori.

Trước đó hai tháng, K. đã từng điều trị hai tuần tại bệnh viện địa phương với tình trạng tương tự. Tình trạng tái phát với những biểu hiện nặng nề hơn.

Tương tự, bé N.A. (9 tuổi, ở Hà Nội) cũng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng da xanh bất thường, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp. Trước khi nhập viện, bé đã có biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt trong ba ngày liên tiếp.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm và chụp X-quang ổ bụng, nội soi dạ dày, kết quả cho thấy trẻ có tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa mà nguyên nhân xuất phát từ nhiều ổ loét vùng tá tràng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương, xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu.

Xuất huyết tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân.

Trẻ bị xuất huyết tiêu hóa có thể do viêm, loét thực quản; viêm dạ dày tá tràng trong ngộ độc, stress, dị ứng thức ăn, thuốc; loét dạ dày tá tràng; chảy máu đường mật hoặc do dị vật tiêu hóa.

"Khi bị xuất huyết tiêu hóa, trẻ có thể có một số biểu hiện toàn thân như thiếu máu tùy theo mức độ mất máu. Trẻ có thể gặp tình trạng khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính. Trẻ cũng có thể thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da vì bị sốc do giảm thể tích tuần hoàn", bác sĩ Hà nói.

Hệ lụy từ việc bỏ điều trị

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, đại đa số các trường hợp nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai chủ yếu nằm ở nhóm trên 10 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 14 đến 16 tuổi.

Ở độ tuổi này, rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc xuất huyết tiêu hóa như chế độ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt chưa phù hợp. Ví dụ trẻ ăn xong đã hoạt động thể lực, học hành ngay hoặc chơi điện tử quá nhiều. Ăn và uống những thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm hóa chất và nhiều căn nguyên khác...

Đáng nói, một trong những tình trạng khá phổ biến của các bệnh nhi đang điều trị tại khoa là tình trạng tái phát xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ nhiễm vi khuẩn H.pylori nhưng chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị nghiêm ngặt khiến ổ loét tiến triển.

"Việc bỏ điều trị, không theo dõi tình trạng bệnh khiến từ ổ loét cấp tính đã trở thành ổ loét mãn tính. Lúc này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy như kéo dài thời gian điều trị, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám theo lịch bác sĩ chỉ định", bác sĩ Hiếu cho hay.

Để phòng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo người chăm sóc, cha mẹ cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Tránh để trẻ ăn nhiều đồ cay nóng, chiên xào, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, không nhai kỹ.

Sắp xếp thời gian học tập, vui chơi cho trẻ. Để trẻ ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Ăn xong cần cho trẻ nghỉ ngơi trước khi chạy nhảy, chơi thể thao.

Đặc biệt, cha mẹ không lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau, chống viêm cho trẻ sử dụng. Chú ý các nguyên nhân tâm lý, tinh thần như: stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài, những áp lực tinh thần trong cuộc sống có thể do học hành, thi cử...

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Bệnh nhân nam 25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội, sốt 5 ngày nhập viện xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue, trong quá trình điều trị bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
6 ngày trước - Trong và sau khi mưa lũ, do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nên dễ dẫn đến các bệnh tiêu hóa. Các bệnh đó là gì và thuốc nào để điều trị?
1 tháng trước - Pháp- Nhiều VĐV triathlon (ba môn phối hợp) nhiễm bệnh đường tiêu hóa, thủ phạm được cho là khuẩn E.coli.
3 tuần trước - TP HCM ghi nhận hơn 100 ca phát ban nghi sởi trong tuần qua, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước, ngành y tế cấp tốc rà soát tiêm vaccine.
12 giờ trước - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết tại các khu vực bị ngập lụt ở Hà Nội đã ghi nhận 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt...
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
4 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
4 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.