ttth247.com

Bộ Chính trị: Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Nội dung được nêu trong kết luận của Bộ Chính trị ngày 12/8 về thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Sau 10 năm triển khai nghị quyết, giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, Bộ Chính trị đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Theo từ điển Cambridge, ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ mà một người có thể nói, sử dụng nhưng không phải là ngôn ngữ đầu tiên mà họ học một cách tự nhiên khi còn nhỏ. Hiện nhiều trường công lập ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã dạy thử nghiệm Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, chứ không chỉ coi đây là môn ngoại ngữ.

Ngoài ra, các trường được khuyến khích liên kết với các cơ sở tiên tiến trên thế giới. Các cấp xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài, các đại học uy tín trên thế giới đến học tập và mở phân hiệu tại Việt Nam; tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Một tiết khoa học bằng tiếng Anh của học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, năm 2021. Ảnh: EMG

Một tiết khoa học bằng tiếng Anh của học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, năm 2021. Ảnh: EMG

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu"...; bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội.

Các cấp rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan, tháo gỡ những điểm nghẽn, gồm sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục... theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn.

Bộ Chính trị cũng chỉ đạo tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các trường; hoàn thiện chính sách, cơ chế với cơ sở giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới. Bí thư cấp ủy phải kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng đại học công lập. Các cơ quan làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường với hiệu trưởng để có quy định phù hợp, có tính đến đặc thù các trường thuộc khối Công an, Quân đội...

Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên cần được nâng cao. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, cả nước thực hiện thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học được đầu tư hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng mở, gắn với thị trường lao động, quan tâm đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Nhà nước đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường khối Quân đội, Công an được đào tạo hệ dân sự đối với các ngành lưỡng dụng một cách phù hợp.

Với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Chính trị yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa. Các cơ quan nghiên cứu cơ chế điều động, luân chuyển giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Việc đổi mới quản lý nhà nước với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng; đổi mới để phát hiện, tuyển dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ người tài, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cuối cùng, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này, phù hợp với tăng trưởng.

Xem toàn văn kết luận

Lệ Nguyễn

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
3 tuần trước - Trong kế hoạch năm học tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
1 tuần trước - Từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học thông qua việc đẩy mạnh phong trào dạy và học tiếng Anh tại những cơ sở giáo dục được cho phép thí điểm là bắt kịp với xu hướng thế giới nhưng cũng đối diện nhiều thách thức...
3 ngày trước - Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy học thứ hai trong nhà trường.
1 tuần trước - TP.HCM đang chuẩn bị cho lộ trình thực hiện yêu cầu 'sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc'.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - MỸ - Sau khi cùng con “đánh vật“ với mấy trang bài tập rồi cả hai òa khóc vì quá căng thẳng, người mẹ quyết định gửi thư cho giáo viên bày tỏ quan điểm không muốn cô giao bài tập về nhà cho con tuổi mẫu giáo.
4 giờ trước - Em thấy không hợp với Luật nên đang tìm hiểu ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, mong mọi người cho lời khuyên.
5 giờ trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
7 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
8 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.