ttth247.com

Thí điểm dùng tiếng Anh dạy học, TP.HCM chuẩn bị ra sao?

Đây là địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện chủ trương này của Bộ Chính trị.

Lợi thế từ các chương trình tiếng Anh liên tục

Đến Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM), một trong những ngôi trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất của hệ thống các trường THPT công lập của TP.HCM, nhiều người sẽ dễ bắt gặp việc học sinh trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.

Trong giờ học tiếng Anh, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cho cả học sinh và giáo viên ở hầu hết các lớp học từ lớp thường, lớp tích hợp, lớp chuyên Anh…

Cô Trần Vân Thy, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - cho biết sau khoảng 20 năm gầy dựng phát triển việc dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ để đọc, viết, giao tiếp và là một công cụ cho học sinh phát triển bản thân, trình độ tiếng Anh của học sinh ở trường hiện nay ở mức tốt.

Tỉ lệ học sinh của trường này có thể giao tiếp tốt tiếng Anh ở các lớp thường (không phải lớp chuyên Anh hay lớp tích hợp) đạt khoảng từ 70 - 80%. Riêng trong những lớp như chuyên Anh, lớp tích hợp thì tỉ lệ học sinh nói tiếng Anh ổn gần như ở mức tuyệt đối.

Trường Nguyễn Thượng Hiền hiện có ba loại hình dạy tiếng Anh gồm tăng cường, tích hợp và học sinh thường. Trong đó, học sinh thường chiếm nhiều nhất tại trường. Ở lớp thường, mỗi tuần học sinh sẽ có 3 tiết tiếng Anh với người Việt Nam (sách giáo khoa), 3 tiết của giáo viên Việt Nam tăng cường và 2 tiết giáo viên người nước ngoài (tăng cường).

Nhận xét về khả năng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường này, cô Thy cho rằng đối với học sinh, việc nghe, nói, viết tiếng Anh có nhiều lợi thế. Bởi vì học sinh tại TP.HCM hiện nay được học tiếng Anh và trau dồi các kỹ năng nghe, nói nhiều từ bậc tiểu học, THCS nên "đầu vào" tiếng Anh của học sinh ở trường ở mức tốt.

"Từ thực tế dạy học và tiếp nhận học sinh nhiều năm qua, tôi thấy các em học sinh được học tiếng Anh bài bản ở lớp dưới. Các em được học nhiều chương trình như tiếng Anh tích hợp (từ lớp 1), tiếng Anh tăng cường (từ lớp 1), tiếng Anh tự chọn (từ lớp 1)… và tiếp tục học lên như vậy ở cấp THCS.

Bên cạnh đó, các hoạt động dạy học tiếng Anh trong các trường tiểu học, THCS rất đa dạng nên khả năng tiếng Anh của học sinh TP.HCM khi lên THPT đã tốt ở những trường tốp trên. Điều này được cụ thể hóa bằng kết quả dẫn đầu nhiều năm liên tục của điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT, cũng như kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của học sinh TP", cô Thy nhận xét.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, ở bậc tiểu học, TP.HCM thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh có chuẩn đầu ra bên cạnh chương trình tiếng Anh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là chương trình tiếng Anh tự chọn, chương trình tiếng Anh tăng cường theo quyết định số 2769 của UBND TP.HCM, chương trình tích hợp theo quyết định 5695.

"Việc thực hiện đa dạng các chương trình tiếng Anh trong nhà trường không những giúp học sinh trong các môn tiếng Anh, mà còn giúp nhà trường quen với công tác quản lý nhiều chương trình cùng song song thực hiện; giúp giáo viên và học sinh năng động trong giao tiếp, tạo tiền đề tốt khi thực hiện việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học" - một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo nhận xét.

Những rào cản

Nhưng phía ngược lại, giáo viên người Việt muốn dùng ngôn ngữ tiếng Anh để dạy các môn học thì cần có lộ trình, chưa thể làm ngay được theo mô hình lý tưởng là dùng tiếng Anh dạy tất cả các môn học, ngay cả như nơi học sinh nói tiếng Anh tốt như tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.

Bởi vì, theo lãnh đạo trường này, những rào cản của việc dùng tiếng Anh dạy học sẽ đến từ phía các giáo viên. Giáo viên hiện có bằng cấp tiếng Anh nhưng do lâu ngày không dùng để nói, viết nên họ không thể giao tiếp tự nhiên và sẽ khó khăn khi họ đứng lớp để dạy học.

Mặt khác, giáo viên bộ môn không được đào tạo chuyên ngành trong môi trường tiếng Anh, nên việc dạy học các môn học theo thuật ngữ tiếng Anh sẽ không dễ dàng thực hiện một sớm một chiều mà cần có lộ trình.

Cô Nguyễn Thị Kim Duyên - tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nơi năm học 2023-2024 có đến 4 thủ khoa học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh dẫn đầu cả nước - cho rằng việc đưa tiếng Anh vào nhà trường gặp rất nhiều thách thức.

"Học sinh các lớp trong một trường ngay cả trường chuyên vẫn không đồng đều về trình độ tiếng Anh. Chưa kể giáo viên bộ môn đa phần đều không thể giao tiếp bằng tiếng Anh và trình độ tiếng Anh không đồng đều... Đó là những thách thức lớn cần giải quyết khi muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường", cô Duyên nhận xét.

Đủ cơ sở pháp lý

Bộ Chính trị mới đây đã công bố kết luận thực hiện nghị quyết 29, trong đó yêu cầu ngành giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tiếp đó, trong một hội nghị hồi cuối tháng 8-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - đã khẳng định Việt Nam đã có căn cứ pháp lý (kết luận thực hiện nghị quyết 29 của Bộ Chính trị) để thực hiện từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Cũng tại hội nghị này, ông Thưởng đã chỉ đạo TP.HCM sớm làm đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường công lập, theo hướng chọn lọc một số trường thực hiện trước.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường chính là mong muốn của phụ huynh, nhu cầu của học sinh và khả năng của học sinh về môn học này.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, toàn TP hiện có gần 800 trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hoạt động (trong đó có khoảng 100 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài). Tổng số khóa học được triển khai là hơn 23.000 khóa với khoảng 182.000 học viên tham gia. Trong đó, số học viên dưới 18 tuổi khoảng 156.000 người, chiếm tỉ lệ hơn 85% số người học.

Số liệu đó cũng phản ánh đúng thực tế nhu cầu học tiếng Anh của học sinh tại TP.HCM, đặc biệt là giao tiếp, khi rất nhiều phụ huynh ngoài cho con học tiếng Anh theo các chương trình ở trường đều cho con theo học ở các trung tâm.

"Lớp tôi chủ nhiệm là lớp theo chương trình tiếng Anh tăng cường, nhưng khi tôi hỏi phụ huynh thì có khoảng 80% học sinh đều đi học các khóa học tiếng Anh ở trung tâm hàng tuần, mỗi tuần mấy buổi", một giáo viên tiểu học tại quận 10 chia sẻ.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), cho con học tiếng Anh là nhu cầu cao của phụ huynh hiện nay, vì họ mong muốn con em có cơ hội phát triển và thích ứng với xã hội ngày càng toàn cầu hóa.

Mặt khác chương trình phổ thông 2018 bắt buộc dạy tiếng Anh từ lớp 3, vì vậy ở một số trường TP.HCM tỉ lệ phụ huynh ủng hộ việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học sẽ rất cao.

"Riêng tại trường chúng tôi, số học sinh tham gia các chương trình liên quan việc sử dụng tiếng Anh chiếm tỉ lệ cao tại trường và các em dù còn ở bậc tiểu học nhưng tỉ lệ giao tiếp tốt bằng tiếng Anh khá nhiều", cô Chi nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - TP.HCM đang chuẩn bị cho lộ trình thực hiện yêu cầu 'sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc'.
1 ngày trước - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy học thứ hai trong nhà trường.
2 tuần trước - Năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai lộ trình số hóa toàn bộ dữ liệu thông tin học sinh (HS), từng bước chuẩn bị thí điểm trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
1 tuần trước - Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vị trí địa lý và mức độ sẵn sàng của trường, khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên (GV) cùng khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế có vai...
2 tuần trước - Hôm nay (5-9), hơn 23 triệu học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Đây là năm học được ngành GD&ĐT xác định chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.
Xem tin bài khác
27 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.