ttth247.com

Chờ đò giữa lòng Thủ đô

Hà NộiGần một tháng nay người dân đi lại giữa phố và bãi giữa sông Hồng đều phải chờ con đò máy duy nhất nối hai bờ, bởi nước ngập gần 3 m toàn bộ các lối đi.

Mưa lớn kéo dài kết hợp với các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La mở cửa xả đáy khiến nước sông Hồng dâng cao nhấn chìm nhiều bãi bồi, bãi giữa tại Hà Nội gần một tháng nay.

Để ra khu vực này, trước đây người dân mất khoảng 10 phút chạy xe qua ngõ 76 An Dương và ngõ Tứ Liên, quận Tây Hồ. Nhưng từ khi nước dâng, đường ngập sâu đến vài mét buộc họ phải di chuyển bằng đò để không gián đoạn việc canh tác hoa màu, buôn bán nông sản cũng như đi học, đi làm.

13h ngày 13/8, thấy đò chuẩn bị xuất bến, anh Vũ Cao Đức (áo hồng) ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ vừa chạy vừa hớt hải gọi người lái đò để kịp sang bên bờ bên kia. Người đàn ông 36 tuổi này có vườn cây ở bãi giữa. Ngày thường anh chỉ mất khoảng 5 phút để chạy xe máy từ ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ sang vườn, nhưng nay tốn 30 phút, tính cả thời gian chờ đò và đi bộ.

11 năm canh tác ở bãi giữa sông Hồng nhưng đây là năm đầu tiên anh Đức thấy nước ngập sâu, rút chậm khiến người dân phải đi đò sang bên bãi bồi.

"Nếu không đi thuyền chúng tôi có thể đi lối từ cầu Long Biên xuống nhưng khu vực xa khu dân cư, đường dốc, nhỏ hay trơn trượt không phù hợp người tay lái yếu nên ít được chọn", anh Đức nói.

Đi sau anh Đức một chuyến, bà Thanh Hoa, 60 tuổi, ở quận Tây Hồ, cũng xắn quần để lội nước, đẩy xe đạp cùng hai bao thức ăn cho gà lên thuyền. Đến bờ bên kia, bà tiếp tục đạp xe hơn một km nữa trước khi lên con thuyền thứ hai chèo qua đoạn ngập sâu hơn hai mét.

"Sống ở Thủ đô mà cứ ngỡ đang ở miền Tây sông nước, đến bãi giữa phải đi bằng ghe thuyền, chứ xe máy xếp xó", bà Hoa nói.

Người lái đò Hoàng Văn Toàn (áo xanh), 48 tuổi, nói đây là lần đầu thấy đường mòn chìm trong nước suốt cả tháng. Trước năm 2019, khu vực này vẫn có người kinh doanh dịch vụ chở khách và xe máy qua sông, nhưng mấy năm nay sông cạn, hết khách họ cũng bán thuyền.

Năm nay khi nước sông dâng cao, thấy bà con đi lại khó khăn, anh Toàn bàn với vợ lấy chiếc đò gắn máy nhỏ chuyên phục vụ việc làm nông của gia đình ra phục vụ bà con. Để đảm bảo an toàn, họ mua thêm áo phao, đồ cứu hộ phòng sẵn. Đò chạy từ sáng sớm đến 19h30, 10-15 phút một chuyến.

"Nhưng nhiều lúc người dân muốn ra bãi giữa hoặc cần vào bờ gấp lại gọi điện thoại, tôi sẽ chạy đò ra chở. Do thông thạo địa hình nên việc di chuyển trong đêm không gặp nhiều khó khăn", anh Toàn nói.

Khách của anh Toàn đa phần người dân sống ở bãi giữa sông Hồng vào bờ để đi học, đi làm hoặc mang nông sản đến các chợ bán. Số còn lại là dân trong thành phố có vườn, trang trại ngoài bãi, cần ra trồng trọt, chăn nuôi.

Mỗi lượt đò sang sông chở tối đa 5-6 người, phí 10.000 đồng một lượt, riêng học sinh, trẻ nhỏ được miễn phí.

Từ bờ bãi giữa, đi gần hai km nữa sẽ đến điểm ngập thứ hai dài vài chục mét, đoạn ngập sâu nhất nay chỉ hơn một mét bởi nước đã rút bớt.

Tuy nhiên khu vực này không có người lái đò, người dân tự chuẩn bị thuyền nhỏ, đồng thời nối dây để vượt đoạn ngập vào nơi ở hoặc khu canh tác.

Mỗi ngày anh Phạm Trung Dũng, 46 tuổi, ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ phải đi 4-5 chuyến đò từ đất liền sang vườn để trồng trọt, chăn nuôi và về nhà. Vườn ở xa lại qua hai khu vực ngập sâu buộc người đàn ông này phải đặt hai xe máy ở hai nơi.

Chặng đầu, anh đi xe từ nhà ra gửi ở cuối ngõ 76 An Dương trước khi bắt đò sang bên bờ bên kia. Chặng hai anh lấy xe máy thứ hai gửi sẵn ở nhà một người dân, sau chạy thêm gần hai km đến điểm ngập tiếp theo. Tại đây người đàn ông này sẽ chất đồ lên thuyền, dùng tay kéo dây để di chuyển và đi bộ thêm vài trăm mét đến vườn.

"Ngày tạnh ráo, nước rút tôi chạy xe chỉ mất 5-10 phút, còn nay mất đến 30-45 phút bởi thêm thời gian chờ đò rồi đi bộ vào vườn. Giờ chỉ mong nước rút để hết cảnh chờ thuyền sang sông", anh Dũng nói.

Từ khi nơi ở bị cô lập trong nước, ngày hai lần anh Nguyễn Văn Tập, 56 tuổi, đều đứng ở bến đò, chờ vợ gửi các thùng nước gạo, thức ăn thừa trong phố về để nuôi lợn, canh tác hoa màu.

Sống ở bãi giữa sông Hồng hơn 20 năm nhưng đây là lần đầu anh Tập thấy nước dâng cao gây thiệt hại nặng về hoa màu, tài sản, nhiều nhà phải di tản.

"Nhà tôi dựng nơi đất cao nên không ngập, chỉ bất tiện về việc đi lại nhưng may có thuyền vận chuyển nên cũng đỡ. Khổ nhất là những hộ ở vùng trũng bị nước nhấn chìm, không biết bao giờ nước rút hết để về nhà", anh Tập nói.

Hơn 3h chiều, nhiều người dân bãi giữa sông Hồng gánh rau, nông sản lên thuyền chở vào trong thành phố để bán lúc tan tầm. Để tránh muộn giờ, họ thường đi sớm trước 30 phút.

Người dân thuê đò của anh Toàn để chở gần chục buồng chuối vào bờ. Trước đây họ có thể chất lên xe máy đi thẳng ra chợ, nhưng nay phải chia làm nhiều chuyến do di chuyển trên sông nước.

Chiều muộn, bà Anh bắt đò từ bãi giữa sông Hồng sang ngõ 76 An Dương đón hai cháu gái sinh đôi 4 tuổi tan học. Người phụ nữ 55 tuổi cho biết nước ngập sâu khiến đời sống của bà con gặp nhiều bất tiện.

"Cho cháu nhỏ đi đò tôi cũng không an tâm bởi sông nước mênh mông nhưng hết cách nên đành chấp nhận", bà Anh nói.

Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết thực trạng nước ngập từ cuối ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ ra bãi giữa sông Hồng kéo dài khoảng một tháng nay, gây ảnh hưởng cho cuộc sống của bà con nhân dân. Đơn vị cũng thường xuyên cử người xuống dọn dẹp vệ sinh, nhắc nhở việc vứt rác đúng nơi quy định để tránh ngập úng, khai thông cống.

"Nhưng do các đập thủy điện mở cửa xả lũ khiến nước sông Hồng dâng cao. Đây yếu tố khách quan buộc chúng tôi phải liên tục nhắc nhở người dân khi di chuyển bằng thuyền qua khu vực ngập úng không chở hàng quá tải, luôn mặc áo phao trong suốt quá trình di chuyển", lãnh đạo quận nói.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Sau cơn bão Yagi, những câu chuyện về lòng tốt và tinh thần đoàn kết của người dân Hà Nội tiếp tục lan tỏa. Nổi bật trong đó là câu chuyện của những chàng trai xa lạ, chưa từng quen biết nhưng cùng nhau chung tay dọn dẹp, góp phần khôi...
1 tháng trước - Thanh Mai cùng hai người bạn bắt xe buýt đến đường Phan Đình Phùng, quận Ba Đình để chụp ảnh cùng gánh hàng hoa và nắng thu lúc 15h ngày 10/8.
1 tháng trước - Thanh Mai cùng hai người bạn bắt buýt đến đường Phan Đình Phùng, quận Ba Đình để chụp ảnh cùng gánh hàng hoa và nắng thu lúc 3h chiều 10/8.
1 tuần trước - Hà Nội- Hơn một tuần nay, cứ cuối ngày Thu Hà lại cùng bạn ghé qua điểm lắp camera giao thông trên phố Triệu Quốc Đạt để chụp ảnh, check-in.
3 tuần trước - Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng đổ xô đến các địa điểm có xe hoa, xôi cốm để check-in, trải nghiệm cảm giác mùa thu Hà Nội.
Xem tin bài khác
7 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
8 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
9 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
9 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
10 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.