ttth247.com

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tù

Sau 5 ngày thẩm vấn, chiều 26-7, phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác chuyển sang phần tranh tụng, đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.

Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 19 -20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Tổng mức hình phạt Viện kiểm sát đề nghị đối với ông Quyết là 24 - 26 năm tù.

Cùng bị truy tố hai tội danh trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột ông Quyết) bị đề nghị 17 - 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, em gái ruột ông Quyết) bị đề nghị 10 - 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC) bị đề nghị 11 - 13 năm tù; Trịnh Văn Đại, phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (anh họ ông Quyết) bị đề nghị 14 - 16 năm tù.

4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM gồm: ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT bị đề nghị 8 - 9 năm tù; Lê Hải Trà, cựu tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT bị đề nghị 6 - 7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng niêm yết bị đề nghị 6 - 7 năm tù; Lê Thị Tuyết Hằng, cựu giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết bị đề nghị 3 - 4 năm tù.

Cả bốn người trên cùng bị cáo buộc có hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước gồm: Lê Công Điền, vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước bị đề nghị 36 - 42 tháng tù; Dương Văn Thanh, tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị đề nghị 24 - 30 tháng; Phạm Minh Trung, trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị đề nghị 18 - 24 tháng.

Cả ba người trên bị xét xử về tội "công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư

Theo bản luận tội, ông Trịnh Văn Quyết lập và làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC năm 2009, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ du lịch. 

Sau 11 năm, hệ sinh thái FLC có 15 công ty con, hai công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, ông Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương (cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros, đang bỏ trốn) và Trịnh Thị Minh Huế tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa luận tội các bị cáo là cán bộ Ủy ban chứng khoán nhà nước, trung tâm lưu ký chứng khoán và sàn HOSE đã chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.

Các bị cáo Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Faros, nhưng do ông Sinh có quan hệ với ông Quyết nên những người này đã "nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết".

Các ông Lê Công Điền, Dương Văn Thanh, Phạm Trung Minh cũng bị cáo buộc biết rõ chưa đủ cơ sở xác định vốn của Faros là 4.300 tỉ đồng nhưng vẫn chấp thuận đăng ký cổ phiếu ROS.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Thao túng 5 mã chứng khoán thu lợi hơn 700 tỉ đồng

Với tội danh Thao túng thị trường chứng khoán, theo viện kiểm sát trong giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty.

Sau đó, những người này mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỉ đồng cho các nhà đầu tư.

Hành vi của nhóm ông Trịnh Văn Quyết được xác định là "thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn", rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ông Quyết được xác định là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản cho bà Huế quản lý sử dụng, để thao túng 5 mã chứng khoán.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tòa xác định cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện hành vi sai phạm trong vụ án nên tuyên phạt bị cáo tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.
1 tháng trước - Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa tuyên buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết liên đới với em gái là Trịnh Thị Minh Huế bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng.
1 tháng trước - Hà Nội- Bản án tuyên bị hại sẽ được bồi thường 7.215 đồng cho một cổ phiếu ROS, người liên quan nhận 5.466 đồng; riêng 5 mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART không có căn cứ bồi thường.
1 tháng trước - Nói lời sau cùng, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng để làm được nhiều ước mơ, hoài bão lớn, ông đã làm một số việc vượt quá giới hạn cho phép, "vụ án là bài học quá lớn, sẽ ám ảnh suốt cuộc đời bị cáo".
1 tháng trước - Ngoài mức hình phạt cho 50 người, gồm Trịnh Văn Quyết, tòa án sẽ xem xét phần trách nhiệm dân sự cho hơn 25.000 bị hại. Nhiều người trong số này đã không còn nắm cổ phiếu ROS và thậm chí còn “lướt sóng” có lãi.
Xem tin bài khác
29 phút trước - Một phụ nữ bị sát hại tại nhà; xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2; truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vì nhận hối lộ của Xuyên Việt Oil... là những tin nóng 24 giờ qua.
29 phút trước - Sáng sớm 19/9, an ninh phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 được thắt chặt, bên trong và ngoài TAND TP.HCM có rất nhiều chiến sĩ cảnh sát.
1 giờ trước - TP HCM- Đang mang án tử hình ở giai đoạn một của vụ án, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tiếp tục bị đưa ra xét xử cùng 33 người về nhiều tội danh.
1 giờ trước - Cơ quan thuế chưa tính thuế khi chuyển nhượng nhà đất gây thiệt hại thì tôi có thể kiện đòi bồi thường không?
1 giờ trước - Biết Xuyên Việt Oil không nộp tiền vào quỹ bình ổn giá xăng dầu mà chiếm dụng trái phép nhưng Cục phó Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính lại nhận hối lộ, làm ngơ cho sai phạm dẫn tới thất thoát 219 tỷ đồng.