ttth247.com

Đại biểu Quốc hội: Vì sao luật vừa thi hành đã phải sửa đổi, có luật chưa thi hành cũng phải sửa?

Nêu vấn đề chất vấn ngày 22-8, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết mấy ngày nay, báo chí liên tục đưa tin về việc Chính phủ đang ráo riết chỉ đạo xây dựng các dự án luật sửa đổi 13 luật có vướng mắc, bất cập và sẽ đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Bà nói đại biểu Quốc hội và cử tri rất thắc mắc tại sao đã có định hướng chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được làm tương đối thường xuyên, các cơ quan từ Chính phủ đến Quốc hội đều rất cố gắng, trách nhiệm, làm việc vất vả nhưng luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa.

Nhiều địa phương, chương trình không muốn áp dụng quy định của luật, mà muốn cơ chế chính sách đặc thù, khác luật.

Do đó bà đề nghị phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân của những vấn đề này. Trách nhiệm của Chính phủ như thế nào trong việc các luật liên tục phải sửa đổi? Đồng thời cho biết giải pháp để cân bằng giữa tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật với những yêu cầu có tính đặc biệt, đặc thù và có tính thời điểm?

Dự kiến trình 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau

Trả lời đại biểu về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Chính trị ban hành kết luận 19/2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội ban hành nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh.

Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh.

Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau.

Dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

Nhóm thứ hai là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Kiểm toán độc lập và Chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính chủ trì.

Phó thủ tướng cũng nêu lý do dẫn tới việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.

Gánh quá sức có chịu được không?

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Phương Thủy chia sẻ về nguyên nhân mang tính khách quan cần sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

Nhưng nguyên nhân chủ quan, bà cho rằng cần nhìn thẳng vào năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật để có giải pháp khắc phục.

Dẫn thống kê cho thấy tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, dự kiến Quốc hội xem xét 25 dự án luật, trong đó thông qua 12 dự án luật, bà đồng thời cho biết nhiều dự án luật khác Chính phủ đang tiếp tục đề nghị bổ sung vào chương trình.

"Với một bộ máy năng lực rõ ràng đang có vấn đề như vậy, chúng ta vẫn cứ tiếp tục, một người gánh 50kg còn khó, bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục bắt người ta phải gánh tới 100kg, liệu có làm được không?

Chúng tôi rất lo ngại về chất lượng của các dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bởi đến thời điểm này các cơ quan thẩm tra và đại biểu cũng chưa biết sẽ dự kiến sửa đổi, bổ sung những nội dung gì.

Công tác đánh giá, tổng kết, rà soát để đảm bảo không có những vướng mắc, bất cập với các luật hiện nay sẽ được thực hiện như thế nào.

Hay thông qua luật xong cuối cùng lại tạo ra những vướng mắc mới. Đây là những vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm", bà Thủy nói và đề nghị nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Đại biểu Quốc hội chất vấn về việc nhiều dự án luật vừa thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa, đồng thời đề nghị chỉ ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
1 tháng trước - Trong các ngày 21 - 22.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 9 nhóm lĩnh vực về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021) đến hết 2023.
3 tuần trước - Đại biểu Quốc hội phản ánh thực trạng luật vừa mới thi hành, thậm chí chưa kịp thi hành đã phải sửa đổi, và đề nghị cho biết trách nhiệm của Chính phủ khi các luật cứ phải sửa đổi liên tục thời gian qua.
3 tuần trước - Sáng 27.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến các dự án luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
3 tuần trước - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua còn nhiều hạn chế, sắp tới sẽ tổ chức diễn đàn pháp luật để bàn đổi mới công tác xây dựng pháp luật.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.