ttth247.com

Dễ thương vô cùng, học trò đi xin ve chai kiếm tiền hỗ trợ vùng lũ

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Những ngày qua, người dân cả nước đồng lòng hướng về các tỉnh, thành chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ gây ra. Mỗi người một cách làm, hành động khác nhau nhưng tất cả đều mong góp sức hỗ trợ người dân các tỉnh phía bắc vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Trong đó, có những cô cậu học trò, với tiêu chí tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đã chung tay hỗ trợ đồng bào ở vùng lũ theo sức của mình.

Dễ thương vô cùng, học trò đi xin ve chai kiếm tiền hỗ trợ vùng lũ- Ảnh 1.

Hoạt động vận động tham gia tự nguyện, nên học sinh từ nhiều trường khác cũng hào hứng góp sức

ẢNH: THANH TÙNG

Cuối tuần, thay vì được ba mẹ dẫn đi chơi sau một tuần tập trung cho việc học, thì những cô, cậu học trò Trường tiểu học Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình, TP.HCM) lại chọn đẩy xe đi xin ve chai khắp các khu dân cư để bán kiếm tiền hỗ trợ đồng bào vùng chịu ảnh hưởng của bão, lũ.

Trịnh Lê Minh Hoàng, học sinh lớp 4/2, kể về một ngày đẩy xe đi xin ve chai với tâm trạng vô cùng phấn khởi. Đến mỗi nhà, Hoàng và các bạn sẽ lễ phép nói: "Cô bác ơi, nhà ai có ve chai thì cho con xin để cứu trợ đồng bào bão lụt". Cứ thế, những đôi chân, bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn lại đẩy xe đi khắp các ngõ, ngách ở khu vực gần trường, xin và thu gom nào là giấy, chai nhựa, các đồ dùng sinh hoạt bị hư của người dân… về tập kết một chỗ, sau đó phân loại và mang đi bán.

Hoàng kể: "Khi thấy tụi em đến xin là mấy cô, chú cho ve chai và khen tụi em ngoan. Dù hơi mệt nhưng em rất vui vì tụi em có thể kiếm tiền giúp các bạn vùng bị lũ lụt. Thầy cô thường dạy tụi em là tuổi nhỏ làm việc nhỏ, nên khi biết các bạn ngoài miền Bắc bị bão, lũ dẫn đến mất người thân, nhà cửa, em rất thương và cũng muốn góp sức hỗ trợ các bạn".

Ý tưởng về hoạt động ý nghĩa này là của anh Vũ Thanh Tùng, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cách Mạng Tháng 8. Anh Tùng kể ngay từ thuở nhỏ, anh đã góp nhặt bao ni lông, lon sữa, giấy vụn… bán rồi dành tiền tiết kiệm mua sắm dụng cụ học tập, áo quần, hay dùng để tham gia phong trào kế hoạch nhỏ của trường. Khi học THCS, anh đã dùng tiền tiết kiệm để mua từng món phụ tùng ráp được chiếc xe đạp đến trường; và cũng với chiếc xe đạp đó, anh đã chạy mua từng vỏ bao xi măng để lo cho việc học tập cũng như thực hiện những chuyến đi khám phá mọi miền đất nước về sau này.

"Cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, các bạn nhỏ ngày nay cũng không biết được những thứ tưởng chừng như vứt đi, nhưng lại có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đời. Và với cuộc vận động 3T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng), cũng như việc phân loại rác tại nguồn, tôi cũng rất mong các em học sinh phải làm sao thực hiện tốt 3T, hạn chế sử dụng túi ni lông vì một cuộc sống bền vững", anh Tùng nói và cho biết thêm: "Mặt khác, qua công tác quyên góp cứu trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, tôi mong muốn các bạn nhỏ nâng cao ý thức hơn về tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" bằng những công việc và hành động cụ thể, tuy nhỏ nhưng phù hợp với sức của mình".

Với lợi thế có hơn 20 năm công tác tại trường và cũng thường xuyên tổ chức hoạt động đi xin ve chai để tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ", nên khi anh Tùng vận động chương trình đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo phụ huynh và các em học sinh. Trong đó, có nhiều bạn là cựu học sinh của trường hay những học sinh trường khác cũng được phụ huynh đăng ký để cùng tham gia. Đặc biệt, có nhiều phụ huynh đã gắn bó với hoạt động thu gom ve chai này nhiều năm liên tục.

Dễ thương vô cùng, học trò đi xin ve chai kiếm tiền hỗ trợ vùng lũ- Ảnh 2.

Hoạt động ý nghĩa ngày cuối tuần của học sinh Trường tiểu học Cách Mạng Tháng 8

ẢNH: THANH TÙNG

Dễ thương vô cùng, học trò đi xin ve chai kiếm tiền hỗ trợ vùng lũ- Ảnh 3.

Ngoài xin ve chai, các em học sinh còn mang theo thùng quyên góp để người dân cùng góp tiền hỗ trợ cho đồng bào miền Bắc

ẢNH: THANH TÙNG

Vui vì làm được điều ý nghĩa

Anh Tùng cho biếthọc sinh của trường được chia thành nhiều nhóm nhỏ đi qua các tuyến hẻm trong khu dân cư trên địa bàn P.12 (Q.Tân Bình) và những phường giáp ranh. Sau khi những xe đẩy đầy, các bạn sẽ di chuyển về trường và cùng nhau sắp xếp, phân loại cũng như nghỉ ngơi để chuẩn bị đi tiếp đến các tuyến hẻm khác xin ve chai.

Đi cùng các em len lỏi khắp nơi thu gom ve chai, anh Tùng kể học sinh nào cũng rất phấn khích khi được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé đến với đồng bào đang bị thiên tai. Mặc dù cũng rất mệt với những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt, lâu lâu có em lại nói: "Thầy ơi, con mỏi chân quá", nhưng các em không muốn ngồi nghỉ mà ngay sau đó lại đẩy xe đi và câu nói quen thuộc lại vang lên: "Cô bác ơi, nhà ai có ve chai con xin để ủng hộ đồng bào miền Bắc, cứu trợ lũ lụt ạ".

Trần Hạ An, học sinh lớp 5/1, thừa nhận đẩy xe đi nhiều cũng hơi mệt nhưng nghĩ đến việc làm của mình có thể góp phần giúp đỡ người dân, đặc biệt là các bạn học sinh đồng trang lứa đang chịu nhiều khó khăn ở miền Bắc, là An lại có động lực để xin thật nhiều ve chai. Cô bé chia sẻ: "Em biết các bạn ngoài miền Bắc bị bão và lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, trường hư hại cũng không đi học được. Nên tham gia hoạt động này em thấy rất vui, vì làm được việc ý nghĩa để giúp các bạn. Bình thường ở nhà em có làm các công việc phụ mẹ như rửa chén, lau nhà, quét dọn… nên khi tham gia gom ve chai, dù có hơi mệt nhưng cũng không quá sức".

An kể: "Đến mỗi nhà, các cô chú đều khen tụi em ngoan, giỏi quá, rồi mang ve chai cho. Có cô chú cho ve chai nhưng cũng có những gia đình quyên góp thêm tiền để tụi em gửi cứu trợ đồng bào miền Bắc".

PV hỏi An: "Nếu có một điều gì đó muốn gửi đến các bạn đang chịu nhiều mất mát, đau thương vì bão, lũ thì em sẽ nói gì?", cô bé liền nói: "Các bạn ơi, mình rất thương các bạn. Chúc các bạn sớm vượt qua khó khăn, học tốt, mai sau sẽ trở thành người tốt".

Dễ thương vô cùng, học trò đi xin ve chai kiếm tiền hỗ trợ vùng lũ- Ảnh 4.

Những hành động vô cùng dễ thương của các bạn nhỏ

ẢNH: THANH TÙNG

Dễ thương vô cùng, học trò đi xin ve chai kiếm tiền hỗ trợ vùng lũ- Ảnh 5.

Niềm vui của các em học sinh khi làm được điều ý nghĩa

ẢNH: THANH TÙNG

Là một trong những phụ huynh đồng hành cùng con trong hoạt động ý nghĩa lần này, chị Trần Thị Mận (mẹ của An) cho biết những năm trước thầy Tùng cũng đã tổ chức cho học sinh gom ve chai để hỗ trợ các bạn khó khăn và An cũng đã tham gia 2 lần. Năm nay thì quyên góp cho đồng bào vùng bão, lũ, thấy hoạt động vừa ý nghĩa lại rất thiết thực nên chị Mận cho con tham gia để con hiểu được công việc đi xin ve chai vất vả như thế nào, cũng như khi bỏ công sức ra để đi quyên góp thì các em sẽ thấy được ý nghĩa của hành động mình làm.

"Trước khi tham gia thì mình cũng giải thích cho con hiểu tại sao cần phải làm những hành động như thế này. Đó là các con có thể đi gom ve chai dưới thời tiết thất thường, mưa rồi lại nắng, và các con phải đi xin từng nhà, sau đó gom lại rồi bỏ lên xe đẩy về, công việc khá nặng nhọc. Về đến nơi bạn nào cũng mệt, nhưng khi hiểu được việc mình đang làm ý nghĩa, thì không cháu nào than thở", chị Mận kể.

Thay vì chỉ cho con tham gia thì chị Mận chọn cách đồng hành cùng con để đi xin ve chai. Chị sẽ hỗ trợ rao trước để các con học theo và làm. Thấy có mẹ đi cùng, An cho biết cũng tự tin hơn và có thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Chị Mận nói: "Mình muốn đồng hành cùng để các con thấy được rằng không chỉ có các con mà bố mẹ, người lớn cũng đều phải góp sức để làm những việc ý nghĩa".

Trong quá trình đồng hành cùng các con, chị Mận rất hạnh phúc khi nhiều người dân không những cho ve chai, góp thêm tiền mà còn mang nước uống, bánh trái ra cho để các con ăn, uống lấy sức đi quyên góp thật nhiều. Cũng theo chị Mận, do những hoạt động thu gom ve chai như thế này đã được thầy Tùng phát động từ 2, 3 năm trước, nên người dân xung quanh trường hầu như ai cũng biết. Chính vì thế, nhà ai có ve chai là đều hào hứng mang ra góp, thậm chí nhiều phụ huynh có con dù không học ở trường nhưng cũng cho tham gia cùng để con được trải nghiệm và hơn nữa là góp sức nhỏ vào những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. 

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Gia đình người cha mù, mẹ thiểu năng có thêm cô con gái thứ hai theo chị vào đại học. Một lần nữa, người cha lại gọi điện, thiết tha xin suất học bổng Tiếp sức đến trường cho con đến giảng đường.
1 tháng trước - Nhật Bản- 8 năm trước, một lần đi lễ nhà thờ Xuân Hạp tình cờ gặp mặt cô nữ sinh Yuria và anh không ngờ sẽ có ngày hỏi cưới cô chỉ với một thùng cam.
1 tháng trước - Nghệ An- Mỗi khi ai hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Hương lại thấy nghẹn vì con bị ung thư, chồng tâm thần, anh chồng khuyết tật, bố mẹ già gần 70, chỉ có chị là trụ cột.
6 ngày trước - Để có tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ, nhiều em học sinh đã diễn văn nghệ, nhặt vỏ lon, bán bánh sandwich…
2 tuần trước - Có một người con chuyển giới, bà Hạnh từng đau khổ nhưng rồi lại thấy may mắn. Bởi bà có thêm một cô con gái để yêu thương và được yêu thương.
Xem tin bài khác
2 phút trước - Remofirst - công ty khởi nghiệp lĩnh vực nhân sự - giúp các doanh nghiệp thuê nhân viên làm việc toàn thời gian từ xa trên khắp thế giới.
1 giờ trước - Tập 16, nghệ sĩ (NS) Quang Thắng sẽ đưa khán giả đến với chợ Đồng Hới (Quảng Bình). Nơi đây không chỉ là khu chợ có quy hoạch lớn nhất tỉnh Quảng Bình, mà còn là điểm đến chuyên bán các loại hải sản cập bờ giá rẻ siêu ngon siêu chất...
1 giờ trước - Màn mai mối của cặp trai tài gái sắc khiến ông bà mối và khán giả đầy tiếc nuối. Trong tập mới nhất của...
1 giờ trước - Ông Nguyễn Ngọc Nhãn ở Hậu Giang, sở hữu cây khế độc lạ có 19 thân chung một bộ rễ. Nhiều người đến hỏi mua nhưng ông nhất quyết giữ lại để ngắm.
2 giờ trước - Phạm Ngọc Đoan Trang đủ điểm đỗ vào ngành logistics ở Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Nghĩ đến 4 năm học đắt đỏ, cô gái đã quyết định từ bỏ, chọn Trường đại học Nha Trang.