ttth247.com

Đồng tác giả thường xuyên với nhà khoa học tai tiếng, GS Nguyễn Xuân Hùng nói gì?

Đồng tác giả thường xuyên với nhà khoa học tai tiếng

Cách đây 4 năm, Báo Thanh Niên đã đăng loạt bài "Thủ thuật khai man nhiệm sở để thăng hạng đại học" của TS Nguyễn Tấn Đại. Nội dung loạt bài phân tích tình trạng nhiều nhà khoa học nước ngoài khai man nhiệm sở (affiliation) để tiếp tay cho các trường ĐH gian lận xếp hạng. Khi nói về hiện tượng này ở Việt Nam, TS Đại đã mô tả thủ thuật khai man nhiệm sở của nhóm GS Timon Rabczuk với hai đồng tác giả nước ngoài như một ví dụ tiêu biểu. 

Đồng tác giả thường xuyên với nhà khoa học tai tiếng, GS Nguyễn Xuân Hùng nói gì?- Ảnh 1.

GS Nguyễn Xuân Hùng (thứ 3 từ trái qua) và ông Timon Rabczuk (thứ 4 từ trái qua)

ẢNH: NGUYEN XUAN HUNG'S SITE

Theo TS Nguyễn Tấn Đại, Timon Rabczuk có hai đồng tác giả quen thuộc là Xiaoying Zhuang và "ông vua bị gỡ bài" Shahaboddin Shamshirband. Ba người này thường luân phiên thay đổi địa chỉ trong rất nhiều bài báo để luôn có ít nhất một người ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng hoặc Trường ĐH Duy Tân. Có bài báo khi được duyệt Timon Rabczuk ghi địa chỉ Duy Tân, nhưng đến lúc công bố chính thức lại là Tôn Đức Thắng.

Tình trạng khai man nhiệm sở này dẫn đến hệ quả là các trường vốn không làm nghiên cứu vẫn có thể lấy được tiền tài trợ bằng cách khai thành tích là kết quả nghiên cứu thực hiện ở nơi khác. Hoặc trường nào có dòng tiền dư dả có thể "mua" sản lượng nghiên cứu mà không cần chú trọng đầu tư vào việc phát triển nội lực đội ngũ nghiên cứu tại chỗ. Đọc bài ở đây. 

Vào thời điểm đó, đã có một số ý kiến nhắc đến GS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Trường ĐH HUTECH), vì nhận thấy GS Hùng là đồng tác giả thường xuyên của ông Timon Rabczuk.

Ông Timon Rabczuk là ai?

Ông Timon Rabczuk là giáo sư ĐH Bauhaus Weimar, Đức. Ông này đã nhận hàng triệu USD tiền tài trợ nghiên cứu từ Liên minh châu Âu cho nhiều đề tài thông qua cơ quan chủ quản là ĐH Bauhaus Weimar, nhưng khi đăng bài lại rất nhiều lần ghi địa chỉ ĐH King Saud ở Ả Rập Xê Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, hoặc ĐH Đồng Tế của Trung Quốc. Tình trạng này đã được TS Maarten van Kampen, một nhà vật lý người Hà Lan, phản ánh chi tiết trong bài viết trên trang For Better Science (một trang tin về liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu do nhà khoa học người Đức gốc Ukraine, TS Leonid Schneider, phụ trách).

Đồng tác giả thường xuyên với nhà khoa học tai tiếng, GS Nguyễn Xuân Hùng nói gì?- Ảnh 2.

Bảng minh họa việc ghi địa chỉ (affiliation) của ông Timon Rabczuk trong danh sách HCR của Clarivate

ẢNH: QUÝ HIÊN

Ông Timon Rabczuk liên tục nằm trong danh sách nhà khoa học được trích dẫn nhiều (Highly Cited Researchers - HCR) của Clarivate  (tập đoàn cung cấp dữ liệu học thuật, có trụ sở chính ở Anh) từ 2014 đến 2021. Tuy nhiên, ông này đã "bán" danh hiệu HCR cho ĐH King Saud của Ả rập Xê út kể từ năm 2017. Trong 3 năm đầu tiên lọt vào danh sách HCR (2014 - 2016), ông Rabczuk chỉ có một địa là ĐH Bauhaus Weimar. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo (2017-2018), địa chỉ chính của ông Rabczuk biến thành ĐH King Saud, còn ĐH Bauhaus Weimar trở thành địa chỉ phụ. Từ 2019 trở đi, địa chỉ của ông Rabczuk trong danh sách HCR chỉ còn lại ĐH King Saud và mất hẳn dấu vết của ĐH Bauhaus Weimar.

Về tệ nạn các nhà khoa học châu Âu bán bài, bán danh hiệu cho các trường ĐH ở A-rập Xê-út, báo chí châu Âu đã có nhiều bài phanh phui, thậm chí chính phủ một số nước đang tiến hành điều tra. Theo El Pais, một tờ báo của Tây Ban Nha (đăng ngày 8.11.2023), một số trường ĐH ở A-rập Xê-út đã trả tới 70.000 euro/năm để các nhà khoa học nằm trong danh sách HCR của Clarivate thực hiện hành vi gian lận địa chỉ.

Đồng tác giả thường xuyên với nhà khoa học tai tiếng, GS Nguyễn Xuân Hùng nói gì?- Ảnh 3.

Bảng minh họa việc ghi địa chỉ (affiliation) của GS Nguyễn Xuân Hùng trong danh sách HCR của Clarivate

ẢNH: QUÝ HIÊN

Giống như ông Timon Rabczuk, khi lần đầu lọt vào danh sách HCR năm 2014, ông Nguyễn Xuân Hùng khai đúng địa chỉ chính là nơi ông làm việc, là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, ông Hùng cũng khai địa chỉ phụ là Trường ĐH Tôn Đức Thắng dù không thuộc biên chế trường này. Trong tất cả những năm sau đó (2015 - 2022), địa chỉ chính của ông Hùng trong danh sách HCR biến thành ĐH Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan, còn nơi ông Hùng thực sự công tác (sau khi rời Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) là Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chỉ được dùng làm địa chỉ phụ.

"Với tôi, GS Timon là đồng nghiệp tử tế"

Ông Timon Rabczuk là đồng tác giả nước ngoài thường xuyên nhất của GS Nguyễn Xuân Hùng, hai người này đã công bố hơn 40 bài báo chung. Đáng chú ý, bài gần nhất GS Hùng đứng tên chung với Timon Rabczuk, trong đó ông Rabczuk là tác giả chính, công bố tháng 8.2020. Sau đó việc hợp tác về cơ bản đã ngừng lại (tháng 11.2021 hai người chỉ có thêm một bài báo chung và đều là tác giả phụ). Tháng 8.2020 là thời điểm Báo Thanh Niên đăng loạt bài chiêu trò xếp hạng ĐH, sau đó ông Rabczuk bị nêu tên về thủ thuật khai man nhiệm sở.

Khi Báo Thanh Niên đề nghị chia sẻ về mối quan hệ hợp tác với ông Rabczuk, một người từng bị dư luận xấu về "bán bài", GS Hùng trả lời: "GS Timon là nhà khoa học nổi tiếng và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cơ học tính toán. Tôi rất trân trọng kiến thức và đóng góp của ông ấy khi được hợp tác với ông ấy từ năm 2008 đến nay. Việc đời tư của giáo sư, tôi nghĩ sẽ có cái nhìn khách quan nếu bạn đọc hỏi thông tin trực tiếp từ ông ấy".

Báo Thanh Niên hỏi: "Giáo sư nghĩ thế nào về việc mình có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với một nhà khoa học có dư luận xấu về liêm chính như GS Timon Rabczuk?". GS Nguyễn Xuân Hùng trả lời: "Việc xấu hay tốt thì quý báo cần liên hệ với cơ quan nơi GS Timon đã và đang làm việc. Với tôi, GS Timon là đồng nghiệp tử tế và đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên Việt Nam. Những sinh viên nào đã từng được giáo sư cấp học bổng và giới thiệu học bổng sang các nước tiên tiến chắc hiểu rõ hơn hết".

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Một nhà khoa học tên tuổi ghi địa chỉ (affiliation) trên các bài báo quốc tế rất linh hoạt, liên quan tới những trường vốn bị nghi ngờ dùng chiêu trò để gia tăng số lượng bài báo quốc tế trong cuộc chạy đua xếp hạng ĐH.
1 ngày trước - Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Ban giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về toán vừa trả lời về trường hợp GS Nguyễn Xuân Hùng.
1 tháng trước - Một nghiên cứu mới công bố về các tác giả siêu năng suất gây lo ngại cho cộng đồng khoa học thế giới. Đáng chú ý trong danh sách này có nhiều người từ Việt Nam.
1 tháng trước - Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến trong mọi mặt của cuộc sống, mang đến những thay đổi chóng mặt ở các cấp độ nền tảng nhất, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ.
1 tháng trước - Ngày 17.8, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh từ năm học 2024-2025 trong đó nêu rõ vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng khi thực hiện công việc này trong nhà trường.
Xem tin bài khác
9 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.