ttth247.com

Hiểu lầm thường gặp về bệnh sởi

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng sởi có thể chữa khỏi bằng cách tắm các loại lá, vaccine chỉ tiêm cho trẻ em khiến tăng nguy cơ mắc bệnh, trở nặng.

Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh số ca nghi sởi tại khu vực phía nam tăng cao. Bệnh có tỷ lệ lây nhiễm 90-100% nếu tiếp xúc gần người mắc sởi và cơ thể chưa có miễn dịch.

Cũng theo bác sĩ Phong, nhiều người chưa hiểu đúng về bệnh, như dưới đây:

Sởi là bệnh nhẹ

Nhiều người cho rằng sởi là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi. Một số phụ huynh nghĩ con cần nhiễm virus sớm nhằm xây dựng khả năng miễn dịch tự nhiên.

Bác sĩ Phong cho biết suy nghĩ này chưa đúng. Bệnh sởi có khả năng biến chứng nặng ở người lớn và trẻ em. Biến chứng thường gặp là viêm phổi cấp tính, dẫn đến suy hô hấp tiến triển. Ở các nước đang phát triển, biến chứng viêm phổi chiếm đến 80% trẻ mắc sởi và là nguyên nhân gây tử vong do sởi.

Ngoài ra, sởi có thể biến chứng mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm tủy, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Việc mắc sởi khi mang thai còn có thể gây sảy thai, sinh non.

Minh họa trẻ em mắc bệnh sởi. Ảnh: Trạm Y tế xã Phạm Văn Hai

Minh họa trẻ em mắc bệnh sởi. Ảnh: Trạm Y tế xã Phạm Văn Hai

Chữa bệnh bằng tắm lá

Trên các hội nhóm và diễn đàn, nhiều ông bố bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm phòng và trị sởi bằng cách tắm hoặc uống nước hạt mùi, cây ngò, sài đất, lá me, kim ngân hoa, nhọ nồi... Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian này chưa được chứng minh tác dụng chữa bệnh sởi.

"Đắp lá không sạch sẽ, không rõ nguồn gốc có thể gây viêm da, nguy hiểm cho trẻ", bác sĩ Phong khuyến cáo, thêm rằng phụ huynh cần cẩn trọng khi sử dụng các phương pháp này.

Tiêm một mũi vaccine sởi là đủ

Chủng ngừa sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng. Khi tiêm vaccine sởi, đáp ứng miễn dịch phụ thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại vaccine và đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm.

Về hiệu quả, một mũi vaccine sởi chỉ đạt phòng ngừa 80-85%. Khi tiêm đủ hai mũi vaccine sởi, hiệu quả nâng lên khoảng 95-98%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng hướng dẫn phụ nữ tiêm phòng đủ hai mũi sẽ có miễn dịch cả đời, đủ kháng thể truyền cho con.

Vaccine chỉ tiêm cho trẻ nhỏ

Vaccine sởi tiêm chủng cho người lớn và trẻ em. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cần đạt 95% để đạt hiệu quả miễn dịch cộng đồng, ngăn bệnh bùng phát thành dịch.

Hiện Việt Nam có ba loại vaccine sởi gồm mũi đơn, mũi kết hợp phòng thêm rubella và mũi giúp phòng thêm rubella - quai bị. Các vaccine chỉ định cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, có mặt trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

Với mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần tiêm khi 9 tháng tuổi và nhắc lại một mũi sởi - rubella vào lúc 18 tháng tuổi. Nếu tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể tiêm mũi đơn hoặc mũi phối hợp sởi - quai bị - rubella. Tùy theo tình hình dịch bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một trong hai phác đồ gồm: hai mũi cách nhau ba tháng hoặc mũi thứ hai tiêm khi 4-6 tuổi. Người lớn không nhớ rõ lịch sử chủng ngừa cần đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn.

Ảnh minh họa tiêm vaccine sởi. Ảnh: Pexels

Ảnh minh họa tiêm vaccine sởi. Ảnh: Pexels

Trẻ dưới 9 tháng không được tiêm chủng

Theo khuyến cáo của WHO, trẻ từ 9 tháng tuổi có thể tiêm vaccine sởi. Việc này để đảm bảo hiệu quả mũi tiêm và an toàn sức khỏe cho trẻ.

Tuy nhiên, vaccine sởi có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi theo khuyến cáo của từng quốc gia, cơ quan y tế địa phương, ví dụ tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng tuổi khi bùng phát dịch bệnh. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là một mũi vaccine. Với lịch tiêm này, trẻ nên tiêm mũi thứ hai lúc 9-12 tháng tuổi và tái chủng lúc 4-6 tuổi.

Ngoài ra, sởi là bệnh khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp, cần phối hợp thêm phòng bệnh như: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng... Khi có dịch, người dân hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

Mộc Thảo

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 ngày trước - Sốt kèm phát ban có thể do sởi, rubella, tay chân miệng, tinh hồng nhiệt, thủy đậu hoặc một số bệnh tự miễn, bệnh ác tính.
1 tháng trước - Những tuần gần đây bệnh sởi lây lan và diễn biến phức tạp tại TP.HCM. Nhiều phụ huynh không biết gì về bệnh sởi, dịch sởi và thường đưa trẻ đến nhập viện khi đã biến chứng.
2 tuần trước - Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận lượt tiêm vaccine sởi tăng đến 300% ở nhóm trẻ 9 tháng và 4-6 tuổi trong tuần cuối tháng 8.
1 tháng trước - TP HCM- Bé Trâm Anh, 10 tháng tuổi, nổi ban lấm tấm khắp người sau hai ngày ho, sốt, sổ mũi, vào viện khó thở, được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ thở oxy.
1 tháng trước - Liều lượng và hiệu quả của những loại thực phẩm chức năng chưa được chứng minh rõ ràng qua các nghiên cứu, do đó việc tự ý bổ sung cho trẻ có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như quá liều thuốc, tổn thương gan, thận...
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.