ttth247.com

Làm gì khi con không có bạn bè?

Cuối tuần rồi, tôi dẫn hai con đi nhà sách. Lúc tính tiền, tôi hơi ngạc nhiên với số lượng bút chì hơi nhiều so với bình thường. Đứa nhỏ giải thích với mẹ, trong bộ dạng vừa háo hức vừa tỏ ra hiểu biết: "Tụi con coi trên mạng, người ta nói cho mượn dụng cụ học tập là một trong những cách tốt nhất để kết bạn đó mẹ!".

1. Tôi bật cười trước suy nghĩ rất trẻ con này, nhưng sau đó giật mình nhận ra: mới học cấp hai thôi mà con mình đã sang cái tuổi mà việc "có bạn" là một phần quan trọng trong đời sống rồi. Và nghĩa là tôi lại sắp có thêm một nỗi lo.

Nỗi lo lắng này đến từ những câu chuyện mà tôi thường trao đổi với nhóm phụ huynh và bạn bè cùng thế hệ. Đó là khi chúng tôi cùng tìm bác sĩ tâm lý tư vấn cho người bạn đang có con bị trầm cảm nặng do một thời gian dài bị bạn học "bully" (bắt nạt) mà mẹ không biết, giờ quay sang trách móc đổ lỗi cho mẹ.

Lúc khác, để an ủi chị hàng xóm vừa chết lặng khi nhận ra những vết xước ở cổ tay con không phải là do mèo cào, và con nức nở bảo con không có bạn và không biết làm cách nào để kết bạn.

Hay khi anh đồng nghiệp kể đã bất ngờ lúc nghe con trai lớn khuyên đứa em rớt nguyện vọng một vào một trường chuyên và muốn cố gắng để năm sau được vào học ở đó: "Em cứ học trường này đi, chứ năm sau mà vô là bị tụi nó gọi là "đi cửa sau", em không chịu nổi xì xầm đâu!".

Thỉnh thoảng, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về vài đứa trẻ ở một trường quốc tế nổi tiếng nào đó bị xa lánh chỉ vì xài hàng hiệu không cùng loại với những bạn khác, đến mức phải đeo khẩu trang đi học trong nhiều tuần…

2. Phải nói rằng lúc ban đầu chúng tôi, những người làm cha mẹ thuộc thế hệ 7X - 8X, bất ngờ đến mức choáng váng khi đối mặt với vấn đề mới toanh này. Thời chúng tôi, chuyện kết bạn hay giận hờn nhau đơn giản lắm.

Nỗi buồn đến và đi rất nhanh chóng, vô tư và nhẹ nhàng. Chính vì vậy, khi chọn trường cho con, chúng tôi chỉ biết tìm hiểu về chương trình học cũng như cơ sở vật chất của trường mà đâu nghĩ đến chuyện là con phải đối diện với những áp lực tưởng như không đáng có như thế?

Và thế là những buổi cà phê sáng hay ăn trưa vội vàng trước khi lao vào guồng quay công việc lại trở thành những buổi chia sẻ, thảo luận xoay quanh đề tài này.

Nhìn lại chúng tôi thấy hối hận khi cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử cùng mạng xã hội quá sớm và thiếu kiểm soát.

Dành thời gian trực tuyến quá nhiều, dường như con tự tin khi "kết bạn" hay thả biểu tượng cảm xúc trên mạng hơn là bộc lộ những cảm xúc thực của mình. Nó cũng khiến con bị ảnh hưởng bởi vài người có tư tưởng tiêu cực mà cha mẹ không kịp nhận ra.

Bên cạnh đó còn là sự tiếc nuối cho những năm tháng quá tập trung vào việc mưu sinh, để rồi bù đắp bằng việc để con dễ dàng có quá nhiều vật chất. Chúng tôi đã bỏ lỡ những khoảnh khắc chất lượng dành cho con, để tìm hiểu xem con mình đang thực sự cần gì…

Và quan trọng nhất có lẽ chúng tôi đã thương yêu cũng như dạy con chưa đúng cách, để con trẻ biết trân trọng về bản thân, tự tin được là chính mình trong mối quan hệ với người khác? Nếu đúng như vậy, có lẽ giải pháp giúp con nên bắt đầu từ đây chăng?

Bao nhiêu ý tưởng được chia sẻ. Nào là cùng con đăng ký tập một môn thể thao ngoài trời để con tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn và bớt thời gian "coi máy" đi.

Nào là khuyến khích con theo đuổi một sở thích lành mạnh để thêm cơ hội kết bạn với những người cùng đam mê. Nào là đưa con gặp bác sĩ tâm lý để giúp con được tư vấn dưới góc nhìn của một chuyên gia...

Nhưng việc đầu tiên hết cả, chúng tôi sẽ về nhà và ngồi cạnh con.

Ngồi thật lâu, chỉ để con biết rằng con vẫn luôn có người bạn đặc biệt này bên cạnh.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Giới trẻ ngày nay "lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con!". Nhiều bạn trẻ cảm thấy hôn nhân và sinh con là gánh nặng trong cuộc sống, cản trở những mong muốn của bản thân.
1 tuần trước - Nếu muốn cải thiện mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ nên nói những điều này khi các con đã trưởng thành.
1 tháng trước - Hai cậu học trò ở Quảng Nam mồ côi cha từ sớm, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua nghịch cảnh để đặt chân đến giảng đường - đó là những tân sinh viên chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ đã gặp gỡ.
3 tuần trước - Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ suốt đời và nhiều nghiên cứu cho thấy một số loại bệnh như tim mạch, tiểu đường có thể bắt đầu từ thời thơ ấu.
1 tháng trước - Sau tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên đã "vỡ mộng" khi bước vào thị trường lao động. Không ít cử nhân chấp nhận làm công việc không liên quan gì tới ngành nghề được đào tạo, hay lao động phổ thông và thậm chí là thất nghiệp vì không đáp...
Xem tin bài khác
2 phút trước - Giữa dòng nước chảy xiết, người phụ nữ mặc áo mưa, đầu đội mũ bảo hiểm ôm cây chờ người dân ném dây thừng giải cứu. Khoảnh khắc nguy hiểm khiến người xem “thót tim”.
2 phút trước - Hành trình yêu thương gian nan của cặp đôi Việt - Nhật trong chương trình Vợ chồng son khiến ai cũng xúc động.
11 phút trước - Thái Lan- Bà Arom Arunroj, 64 tuổi, ở tỉnh Samut Prakan đang rửa bát bất ngờ bị con trăn nặng 20 kg, dài 4 m tấn công và siết chặt cơ thể suốt hai tiếng.
1 giờ trước - Thanh niên tình nguyện từ TP.HCM tỏa ra nhiều điểm nóng sạt lở, cùng các lực lượng tại chỗ chung tay khắc phục hậu quả bão lũ lịch sử.
1 giờ trước - Niềm khao khát tìm mẹ ruột ở TP.HCM luôn hiện diện trong tâm trí của chị Rose Mai Robin (27 tuổi), một giáo viên người Pháp. Phía sau hành trình tìm mẹ của Rose, là câu chuyện xúc động.