ttth247.com

Mức sinh thấp, nhiều gia đình sẽ áp lực vì con một

Chị N.Q.L. - 34 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - có một bé gái 7 tuổi. Thật lòng chị cũng từng muốn sinh thêm một bé nữa cho có chị có em nhưng mới nghĩ đến cảnh có thêm con thì không biết sẽ xoay xở thế nào.

Áp lực sinh con ở thành thị

Chị L. nói mới có một bé đi học mà chị đã thấy gần như không có thời gian cho bản thân. Cứ hết việc trong công ty về đến nhà lại đầy ắp việc nhà đến tận tối khuya lên giường đi ngủ. Có hai bé thì chắc chị phải làm mẹ toàn thời gian, không thể đi làm được nên vợ chồng chị quyết định dừng lại ở một con.

Những năm gần đây, TP.HCM đều "báo động" về tình trạng phụ nữ sinh ít con. Năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với cả nước.

Theo ông Phạm Chánh Trung - chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, với mức sinh 1,32 - 1,36 con/phụ nữ hiện nay của TP nghĩa là rất nhiều gia đình tại TP.HCM chỉ sinh một con.

Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về những áp lực của con một. Tuy nhiên tại một số nước châu Á, con một thường kèm theo sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình về sự thành đạt cộng thêm áp lực của thế hệ con một trong việc nuôi dưỡng và phụng dưỡng cha mẹ trong truyền thống. Đây chính là một vấn đề rất thách thức của thế hệ con một trong xã hội ngày nay.

Ông Trung cũng nhắc lại mô hình nhân khẩu học đã được các chuyên gia nhận định từ câu chuyện thế hệ con một tại Trung Quốc. Đó chính là lo ngại của các chuyên gia: Hôm nay, "mỗi gia đình chỉ sinh một con" với công thức 4-2-1 (tức một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).

Tương lai, đối mặt với vấn đề mới "thảm họa" theo công thức ngược lại 1-2-4 (tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).

"Rất có thể những đứa trẻ ngày hôm nay được chăm sóc rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại chính bản thân và sáu người cao tuổi trong tương lai", ông nói.

Ông Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, cũng cho rằng với xu hướng sinh ít con hiện nay trong tương lai sẽ là gánh nặng không chỉ với mỗi gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội.

"Theo nghiên cứu trước đó của Bệnh viện Lão khoa trung ương, người cao tuổi có 14 năm sống chung với bệnh tật. Bởi vậy, trong tương lai nếu một người phải chăm sóc cho hai người già, hoặc bốn người già thì sẽ là gánh nặng kinh tế rất lớn. Ngoài ra già hóa dân số còn đặt thách thức lên hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân", ông Anh nhận định.

Vì vậy thay vì khẩu hiệu "chỉ sinh một hoặc hai con", hiện nay các chuyên gia đồng tình với việc khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của TP, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Mức sinh chung cũng xuống thấp "kỷ lục"

Không chỉ TP.HCM, theo ông Lê Thanh Dũng - cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam đang đối mặt với xu thế mức sinh xuống thấp. Năm 2022 mức sinh đạt 2,01 con/phụ nữ; 2023 xuống chỉ còn 1,92 con/phụ nữ (mức sinh thay thế phải đạt 2,1 con/phụ nữ), đây là mức sinh thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trước những thách thức về mức sinh thay thế thấp, đối diện với già hóa dân số trong tương lai, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12-2024 và trình Quốc hội vào tháng 10-2025.

Trong dự thảo, một trong số chính sách cơ bản được Bộ Y tế đề xuất là "duy trì mức sinh thay thế". 

Mục tiêu là xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số…

Nội dung chính sách cũng quy định các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp (như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) và khu vực có mức sinh cao như Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Nhiều quốc gia đã chi hàng tỷ đô la để khuyến sinh, song cuộc sống hiện đại quá nhiều áp lực khiến lập gia đình và sinh con trở thành quyết định rủi ro.
3 tuần trước - 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. TP.HCM hiện có mức sinh thấp nhất nước, 1,32...
11 giờ trước - Chính phủ chi hàng tỷ USD để xoay chuyển xu hướng dân ngại đẻ, song tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc tiếp tục suy giảm, đưa nước này vào tình thế "khẩn cấp quốc gia".
1 tuần trước - Các thống kê ước tính Việt Nam hiện khoảng 2 triệu cặp vợ chồng gặp khó khăn khi muốn có con, có thể do những bất thường ở cơ quan sinh sản, lối sống chưa lành mạnh hoặc lớn tuổi.
1 tuần trước - Việt Nam đang đối mặt với thách thức mức sinh ngày càng thấp, trong khi tỉ lệ vô sinh thứ phát ngày càng gia tăng. Trong đó có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này như lối sống, tình trạng lập gia đình muộn, có con muộn.
Xem tin bài khác
7 phút trước - Nghệ An- Sau khi ăn viên kẹo dẻo tại nhà, bé gái hai tuổi ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu bị ngạt thở, tử vong trên đường chuyển viện, chiều 19/9.
7 phút trước - TP HCM- Văn Nam, (30 tuổi, quận Bình Thạnh), trở thành người quen của trung tâm tiêm chủng vì vài tháng tiêm phòng dại một lần.
7 phút trước - Quảng Ninh- Bệnh nhân nam 34 tuổi đột ngột đau ngực trái, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, nguy kịch, nguyên nhân có thể là nghiện thuốc lá.
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
5 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.