ttth247.com

Nhiều người nhiễm nấm, viêm da mùa mưa

TP HCMMùa mưa, độ ẩm cao, đường sá thường xuyên ngập nước tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển khiến nhiều người bị viêm da, nấm móng.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tháng 5 đến tháng 11 là mùa mưa ở miền Nam khiến độ ẩm tăng cao, thuận lợi cho nấm, vi khuẩn phát triển. Thời tiết nắng nóng gay gắt rồi đổ mưa lớn bất chợt khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột trong thời gian ngắn gây hại cho da, khiến da nhạy cảm hơn. Mưa lớn thường gây ngập lụt, nguồn chất thải, rác, bụi bẩn... bị hòa lẫn, ứ đọng, tăng nguy cơ da tiếp xúc tác nhân gây bệnh.

Khi trời nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi khiến da ẩm ướt kéo dài. Nếu vệ sinh da kém cộng với môi trường nhiều mầm bệnh làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, viêm da. Công nhân vệ sinh môi trường, xe ôm, thợ hồ, người bán hàng rong, nông dân, người già, trẻ em, người thừa cân, béo phì, người có sẵn các bệnh da mạn tính... dễ mắc bệnh da nhất.

Hiện mỗi ngày khoa Da liễu của bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận 25-30 ca bệnh da và móng do nấm, vi khuẩn, tăng khoảng 30% so với các tháng mùa khô. Các bệnh phổ biến là nấm da, nấm móng, kẽ ngón tay, chân, viêm da mủ, viêm da kích ứng, viêm nang lông...

Bác sĩ Ngọc Bích khám da cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Ngọc Bích khám da cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Như chị Bình, 32 tuổi, vài tháng nay màu móng tay, chân đổi từ hồng nhạt sang trắng ngà, nổi đốm trắng, bề mặt móng sần sùi, có sọc dọc hoặc ngang. Các móng bị đẩy nhô lên, dày hơn nhưng dễ gãy, bong khỏi nền thịt, dưới móng có lớp bột. Ban đầu chỉ một ngón bất thường, sau đó lan khắp các ngón gây ngứa ngáy, khó chịu, sinh mủ và sưng đỏ ở vùng khóe móng.

Xét nghiệm lớp bột dưới móng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy người bệnh nhiễm nấm móng. Chị Bình cho biết mấy tháng nay mỗi lần mưa lớn, đoạn hẻm nhà chị ngập sâu tới gối, nước tràn vào tầng trệt. Bác sĩ Bích nghi ngờ chị nhiễm nấm do tiếp xúc nhiều với nguồn nước bẩn.

Trường hợp khác, anh Sinh, 40 tuổi, gần đây hay di chuyển qua đoạn đường bị ngập nên tái phát viêm da cơ địa và phát hiện thêm nhiễm nấm ở da đầu, lòng bàn tay, chân. Anh đổ nhiều mồ hôi nhưng các vùng da bệnh liên tục khô nẻ, bong tróc, nhiều mảng đỏ tròn hơi sần. Da ở các ngón tay mỏng đi, căng đỏ, rát và dễ rỉ máu dù va chạm nhẹ với các vật sắc cạnh như giấy, góc bàn, khó cầm nắm đồ dùng.

Một số trẻ mắc các bệnh da khác như chàm (viêm da cơ địa), viêm da tiết bã... cũng dễ tái phát hoặc trở nặng hơn khi thời tiết mưa nắng thất thường. Như bé An, 6 tuổi, ngụ Đồng Nai, bị viêm da mủ (viêm da nhiễm khuẩn) vùng mũi. Trước đó, trên sống mũi bé chỉ nổi một vài mụn nước nhỏ, do ngứa gãi nhiều gây trầy xước, cụm mụn loang ngày càng rộng, mụn nước từ màu trong trở nên đục, có mủ.

Bác sĩ Bích lý giải ở điều kiện bình thường, những vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu không gây bệnh trên da. Tuy nhiên, khi cơ thể trẻ suy yếu, vệ sinh da kém, gặp chấn thương, trầy xước trên da... những vi khuẩn này phát triển gây tình trạng viêm da mủ.

Điều dưỡng cạo lớp bột dưới móng chân lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nấm móng cho chị Bình. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Điều dưỡng cạo lớp bột dưới móng chân lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nấm móng cho chị Bình. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Bích, nấm da, viêm da không nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng ngứa nhiều, da loang lổ, không điều trị đúng thì thương tổn sẽ lan tỏa, có thể gây chàm hóa (viêm da cơ địa mạn tính), ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.

Trẻ nhỏ thường đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách, các nếp gấp ở cổ, khoeo tay chân kém thông thoáng, ẩm ướt càng dễ nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Các bệnh này gây ngứa nhiều, trẻ khó kiểm soát được cơn ngứa sẽ gãi làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Sức đề kháng của trẻ em non yếu (nhất là trẻ có tiền căn viêm da cơ địa) nên khi bị viêm da có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn tình trạng bệnh ở người lớn. Nếu không điều trị kịp thời, da trẻ có thể sưng tấy đỏ, tạo mủ, chảy dịch, bội nhiễm, hoại tử da, dễ tạo sẹo, tăng sắc tố. Nặng hơn có thể ảnh hưởng toàn thân, gây tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc máu, viêm cầu thận...

Tùy tình trạng người bệnh, bác sĩ da liễu chỉ định loại thuốc phù hợp với loại nấm, vi khuẩn mắc phải. Chị Bình, anh Sinh được kê thuốc uống và bôi kháng nấm toàn thân cùng kháng viêm, chống ngứa. Bé An được sát khuẩn sạch vùng da mủ, uống thuốc kháng sinh, kháng viêm để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn để điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn bệnh.

Bàn tay một người bệnh sau một tuần điều trị nấm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bàn tay một người bệnh sau một tuần điều trị nấm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khi có các triệu chứng bất thường trên da, người bệnh nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Các bệnh nấm da, viêm da dễ tái nhiễm do điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Bác sĩ Bích khuyến cáo người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn, các hóa chất, giữ da và móng luôn khô thoáng. Người bị nhiễm nấm da, viêm da nên giặt riêng quần áo, chăn mền, thường xuyên vệ sinh khẩu trang, nón bảo hiểm... và phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời để diệt nấm, bào tử nấm. Dùng riêng các dụng cụ cắt móng tay, vệ sinh bằng xà phòng.

Anh Thư

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - TP HCM- Mùa mưa, độ ẩm cao, đường sá thường xuyên ngập nước tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển khiến nhiều người bị viêm da, nấm móng.
2 ngày trước - Mưa, ngập lụt khiến vi khuẩn sinh sôi, phát tán trong môi trường gây nên nhiều bệnh ngoài da như viêm da do nhiễm khuẩn, nổi mề đay...
1 tháng trước - TP HCM- Mùa mưa là thời điểm kiến ba khoang rộ lên ở miền Nam, nhiều người vô tình dính độc của loại kiến này gây phỏng rộp, ngứa rát, viêm da.
1 tháng trước - Hà Nội- Thiếu niên 17 tuổi oral sex (quan hệ bằng miệng) với người lạ, nghĩ rằng an toàn song ít hôm sau bị loét miệng, phát hiện mắc vi khuẩn lậu.
6 ngày trước - Nên rửa sạch da, thoa kem và dùng thuốc phù hợp, vệ sinh đồ đạc và môi trường sau mưa lũ để tránh viêm da, nấm hay nhiễm trùng.
Xem tin bài khác
3 phút trước - Nghệ An- Sau khi ăn viên kẹo dẻo tại nhà, bé gái hai tuổi ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu bị ngạt thở, tử vong trên đường chuyển viện, chiều 19/9.
3 phút trước - TP HCM- Văn Nam, (30 tuổi, quận Bình Thạnh), trở thành người quen của trung tâm tiêm chủng vì vài tháng tiêm phòng dại một lần.
3 phút trước - Quảng Ninh- Bệnh nhân nam 34 tuổi đột ngột đau ngực trái, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, nguy kịch, nguyên nhân có thể là nghiện thuốc lá.
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
5 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.