ttth247.com

Nữ thương binh bán vé số tu sửa nghĩa trang liệt sĩ

Đồng ThápSuốt 12 năm qua, bà Đặng Thị Bảy, 82 tuổi, bán vé số dạo quanh chợ Nước Xoáy, gom tiền tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, hoàn thành lời hứa với những đồng đội năm xưa.

Bà Bảy ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi với biệt danh Bảy Đẹt, do người thấp bé nhẹ cân nhưng lanh lợi và gan lì. Bà được giao nhiệm vụ giao liên cho những chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch.

Năm 22 tuổi, bà được cử đi học một khóa y sĩ, một mặt giúp người dân trong vùng chiến sinh nở, mặt khác cứu chữa chiến sĩ bị thương. Trong lễ kết nạp Đảng năm 1965, bà cùng những đồng đội ngoéo tay, lập lời hứa: "Chúng ta trải qua sinh tử, đã như anh em ruột thịt nên người còn sống sẽ lo cho người hy sinh mồ yên mả đẹp".

Bà Bảy trên chiếc xe điện ba bánh, ngày ngày bán vé số dạo ở chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Ảnh: Ngọc Tài

Bà Bảy trên chiếc xe điện ba bánh, ngày ngày bán vé số dạo ở chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Ảnh: Ngọc Tài

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà Bảy cùng các đồng đội tham gia trận đánh chiếm Đồn Gò Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò. Khi rút quân, đơn vị của bà bị địch tập kích, nhiều đồng đội hy sinh. Bà bị thương ở đầu, cận kề cái chết.

Sau một năm dưỡng thương, dù đi lại khó khăn do di chứng các mảnh đạn găm vào đầu, song nữ chiến sĩ Bảy Đẹt vẫn xin ra trận và tham gia chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất. "Đồng đội hy sinh trên tay mình, dặn dò phải tiến lên, không được lùi bước, tôi đâu thể phụ sự hy sinh của họ", bà kể.

Hòa bình lập lại, nữ chiến sĩ được giao làm trưởng ban Y tế xã Long Hưng nay là xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Thời gian sau, vì vết thương cũ tái phát, bà xin nghỉ rồi gắn bó với công việc bán vé số dạo.

"Lúc đó Bảy nhận nuôi mấy đứa cháu ruột, chúng ăn học toàn bằng tiền bán vé số", bà cho biết. Hễ có dư đồng nào, nữ thương binh lại nhét vào heo đất, tích góp để thực hiện lời hứa năm nào.

Năm 2010, sau 12 năm dành dụm, bà nghe tin xã Long Hưng A chuẩn bị tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, liền mổ heo đất, gom được hơn 110 triệu đồng. Cầm số tiền trong tay bà ngỏ ý cùng chính quyền sửa sang các phần mộ. Lãnh đạo xã vừa bất ngờ vừa cảm động, khuyên bà giữ lại tiền, dùng khi tuổi cao sức yếu.

"Không được cậu Năm. Chị đã hứa với đồng đội, không làm chị chết không nhắm mắt", bà trả lời lãnh đạo xã.

144 mộ phần các liệt sĩ xã được tôn tạo lên gạch tráng men, các lối đi cũng được lát đan mới. Ngày hoàn công, bà nghẹn ngào đến từng ngôi mộ, thắp nén nhang cho đồng đội rồi thủ thỉ: "Bảy Đẹt đã giữ lời hứa".

Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A, nơi bà Bảy góp tiền tu sửa. Ảnh: Ngọc Tài

Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A, nơi bà Bảy góp tiền tu sửa. Ảnh: Ngọc Tài

Kể từ đó, trừ những hôm mưa bão, ốm đau, ngày nào bà cũng đến thắp nhang cho các liệt sĩ, có khi nán lại cả giờ mới về. Cứ vài tháng, bà gom góp tiền, mua các chậu hoa trồng ven các lối đi, thường xuyên chăm sóc để chúng khoe sắc.

Dù có tiền trợ cấp thương binh hơn 9 triệu đồng mỗi tháng, các cháu đã trưởng thành và có công việc ổn định, bà Bảy vẫn bán vé số mỗi ngày. Người thân khuyên can, bà đều gạt đi với lý do "đi bán cho khỏe người".

"Ở ru rú trong nhà bệnh còn nhiều hơn", bà nói khi cầm xấp vé số trên chiếc xe điện ba bánh. Hơn một năm qua, phương tiện mới giúp bà đỡ vất vả, song vì tuổi cao bà chỉ bán quanh chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, mỗi ngày bán 250-300 tờ.

Thấy bà sống có nghĩa tình, người dân thường xuyên mua vé số ủng hộ. Hôm nào bán hết sớm bà lại đến nghĩa trang thắp nhang, chăm sóc cây kiểng. Nhiều đoàn viên xã thấy vậy thường xuyên phụ bà một tay.

Anh Trần Thanh Trường, Bí thư đoàn xã Long Hưng A, chia sẻ rất cảm phục tấm lòng của bà Bảy với đồng đội. "Bà đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục phấn đấu, góp sức mình xây dựng quê hương thêm giàu mạnh", anh nói.

Bà Bảy thắp nhang cho đồng đội trong một ngày cuối tháng 7. Ảnh: Ngọc Tài

Bà Bảy thắp nhang cho đồng đội trong một ngày cuối tháng 7. Ảnh: Ngọc Tài

Gần đến ngày 27/7, như thói quen hàng chục năm nay, bà Bảy mang túi vé số cùng lỉnh kỉnh các vỉ thuốc trị đau nhức, cảm, ho vào nghĩa trang liệt sĩ. Bà cùng các bạn đoàn viên thắp nhang, quét dọn.

Người thương binh tuổi ngoài 80 tóc bạc trắng, da đen vì dầm mưa dãi nắng. Bà khoe đã ươm được vài chục giỏ hoa, định vài hôm sẽ nhờ các bạn đoàn viên trồng vào các chậu bông.

"Dù hơi cực nhưng vui lắm", bà nói.

Ngọc Tài

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Họ đã bắt đầu đi dọn rác trên kênh từ tháng 12-2022. Họ đã dọn được hơn 2.000 tấn rác từ 150 dòng kênh ở nhiều tỉnh thành.
1 tuần trước - Ngày 11-9, những đoàn xe chở quà của bà con các tỉnh Tây Nguyên đã lên đường ra với đồng bào ngoài Bắc. Tại các điểm tiếp nhận, dòng người vẫn lũ lượt kéo tới đóng góp tiền, hàng hóa ủng hộ.
1 tháng trước - Chị Ngọc Hà công khai với mọi người rằng vợ chồng không còn tình cảm, hai người chỉ sống chung như "đối tác nuôi con", nhưng không muốn ly hôn.
2 tuần trước - Hải Dương- Ở tuổi 109, cụ Ngách đã quên nhiều thứ, ngoại trừ việc đến giờ cơm lại quay mặt ra cổng gọi lớn: “Thóc ơi, Bằng ơi về ăn cơm”.
2 tuần trước - Em bé 18 ngày tuổi 'chưa rụng rốn' được cho đi 47 năm về trước từ một đoàn hát gãy gánh đã tìm về với cha mẹ, anh chị em ruột ở TP.HCM như một câu chuyện cổ tích.
Xem tin bài khác
8 phút trước - Amazon vừa ra quyết định yêu cầu toàn bộ nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày một tuần, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ chế độ làm việc từ xa và quay lại nề nếp làm toàn thời gian tại văn phòng.
9 phút trước - Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 được ví như hành trình kiếm tìm "cảm hứng khởi nghiệp xanh", ưu tiên những ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp thân thiện môi trường, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng.
24 phút trước - Nữ sinh khoa Giáo dục mầm non trường Đại học Vinh cũng vừa giành được danh hiệu lớn tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024.
27 phút trước - Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thanh niên Thừa Thiên-Huế đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…
27 phút trước - Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2011, đến nay anh Kiều Sĩ Nguyên (33 tuổi), thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (TP.Hà Nội), đã có 57 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người.