ttth247.com

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Có khi 10 người góp mới thành 1 suất học bổng Tiếp sức đến trường

Cứ đầu tháng 8, ngay khi báo Tuổi Trẻ công bố khởi động chương trình Tiếp sức đến trường, TS Nguyễn Thiện Tống lại gửi đi một lá thư vận động học bổng cho các tân sinh viên Thừa Thiên Huế.

Tôi gặp thầy Tống tại TP.HCM tháng 8-2024 khi thư vừa gửi đi. Chốc chốc máy tính, điện thoại của thầy giáo ở tuổi 78 lại báo có tin nhắn mới, email mới. Câu chuyện với Tuổi Trẻ xoay quanh những tâm tình của thầy trong gần 20 năm vận động hàng ngàn học bổng.

* Chào thầy. Năm nay số học bổng Tiếp sức đến trường thầy vận động dành cho sinh viên Huế có biến động tăng giảm hay không?

- Thầy Nguyễn Thiện Tống: Tôi đang cố gắng vận động, để nếu không tăng được thì cũng không giảm, vẫn là 80 suất như năm trước.

Mấy năm nay tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến việc vận động, nhất là khi tôi không phải tỉ phú, không có một câu lạc bộ doanh nghiệp doanh nhân yểm trợ, mà chỉ vận động trên người thân, bạn bè, học trò mình.

Năm ngoái, lượng học bổng vận động được giảm nhiều, tôi đã dùng hết khoản quỹ học bổng của gia đình mà vợ tôi dành dụm được để bù vào. Năm nay hết khoản dự phòng ấy rồi, tôi đang cố gắng tương tác trên trang cá nhân để tìm thêm những nhà tài trợ mới.

* Từ ngày cùng với Tuổi Trẻ khởi đầu chương trình "Vì ngày mai phát triển" năm 1988, thầy đã bắt tay xây dựng nên nhiều dự án học bổng. Luôn tự nguyện và chủ động trợ giúp nhiều học sinh, sinh viên như vậy, việc "làm học bổng" với thầy cứ ngỡ đã mang lại rất nhiều niềm vui, nhưng xem ra cũng rất vất vả và nhiều nỗi niềm…

- Vui lắm chứ, nhưng cũng vất vả lắm, cũng như chính báo Tuổi Trẻ vậy. Mỗi năm công bố hàng ngàn suất học bổng, người đọc tin cũng như chính các em tân sinh viên dễ có cảm tưởng báo luôn sẵn có hàng chục tỉ đồng để chi, nhưng đâu phải như vậy.

Nếu ai đó xắn tay áo lên, tham gia vận động và đóng góp cùng chúng ta thì mới thấy rằng để có được một suất học bổng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Riêng với các tân sinh viên Thừa Thiên Huế mà tôi phụ trách, tôi luôn cố gắng cho các em cảm nhận được điều đó. Không chỉ bằng lời nói, cùng với học bổng, các em và cả các nhà tài trợ sẽ được nhận một danh sách liệt kê đầy đủ học bổng này do ai đóng góp.

Bằng cách ấy, các nhà tài trợ được biết đích xác sinh viên đã nhận 100% phần đóng góp của mình. Sinh viên thì được biết mình nhận học bổng của ai, và có khi đã có đến 10 người đóng góp mới đủ cho suất học bổng ấy.

Tôi làm vậy là thêm cho mình một phần việc tỉ mỉ và vất vả, nhưng với hy vọng gieo mầm lòng biết ơn, lan tỏa lòng nhân ái, để mỗi người đều có thêm động lực: nhà hảo tâm gắn bó lâu dài hơn và các bạn sinh viên có lòng quay lại với học bổng sau này.

Mong thêm nhiều cựu sinh viên quay lại với Tiếp sức đến trường

* Thư ngỏ của thầy đã được soạn với rất nhiều tâm huyết, thể hiện rõ những điểm riêng có của học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Thừa Thiên Huế. Còn điều gì thầy vẫn ấp ủ, chưa nói ra trong thư ngỏ năm nay, thưa thầy?

- Còn nhiều chứ. Bắt tay vào làm, và làm thời gian lâu thì mới hiểu. Số học bổng của chúng tôi ít, rất ít so với số lượng học sinh nghèo, hiếu học ở Huế. Vì vậy, việc xét duyệt mỗi học bổng là một cuộc chấm điểm "cân não".

Tôi lấy thang điểm 100, trong đó: gia cảnh 60 (gồm cả tuổi tác, nghề nghiệp của cha mẹ anh chị em), học tập 30 (điểm xét tuyển 15, điểm trung bình ba năm trung học 15), phẩm chất và nỗ lực cá nhân là 10 (giải thưởng, hoạt động cộng đồng xã hội, đi làm thêm).

Ngoài ra, tôi còn chấm thêm 2 điểm ưu tiên cho ngành học mà các em chọn: y nha dược, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp vì đó là những ngành thiết thực nhất cho tương lai và đòi hỏi nhiều nỗ lực học tập.

Nhiều người cùng tổ chức than phiền vì tôi thường trì hoãn thời điểm "kết sổ" danh sách sinh viên nhận học bổng, nhưng lúc nào tôi cũng chờ đến phút cuối. Trì hoãn thêm một ngày, một giờ là để chờ cơ hội có thêm 1 - 2 suất học bổng.

Tính riêng Huế, lượng sinh viên của Tiếp sức đến trường ra trường đã hơn một ngàn, cả chương trình là hơn chục ngàn. Tôi mong ước chỉ 1% trong số ấy quay lại với chương trình, thì đó là niềm hạnh phúc, động viên lớn nhất với chúng ta - những người tổ chức.

Một ông bạn già của tôi, nhiều năm đóng góp học bổng, nói rằng giúp học bổng đến đúng người là một thành công, nhưng thành công hơn nữa là giúp các em học tập những người đã giúp mình. Học bổng của chúng ta đã đi đến mùa thứ 22, đã đến lúc tính đến điều đó.

* Đó cũng là mong ước của ban tổ chức Tiếp sức đến trường. Thầy có góp ý gì cho chương trình để hoạt động bền vững hơn?

- Chúng ta nên thành lập một nhóm để duy trì liên lạc với các em, có hoạt động cũng như tương trợ trong học tập, làm việc giữa các lứa sinh viên, hoặc thông qua các trường phổ thông nơi các em theo học.

Qua sự duy trì ấy, các em sẽ được hiểu hơn về học bổng, và qua đó chúng ta động viên các em quay lại đóng góp, trước hết là tấm lòng, sau đó mới tới vật chất.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Gần một năm nay Thái Trinh không đi xin việc bởi chỗ cô muốn làm lại không được nhận, chỗ đồng ý tuyển thì lương thấp.
1 tuần trước - Gần một năm nay Thái Trinh không đi xin việc bởi chỗ cô muốn làm lại không được nhận, chỗ đồng ý tuyển thì lương thấp.
1 tháng trước - Vừa thấy sếp ra ngoài, Ngọc Bích lập tức mở laptop sửa lại bản thiết kế của khách đang yêu cầu gửi gấp.
1 tuần trước - Nghe tin Hà Nội báo động lũ trên sông Hồng, Ngọc Trang từ công ty ở quận Cầu Giấy về siêu thị gần nhà ở Bắc Từ Liêm để tìm mua bếp cồn, trưa 10/9.
1 tuần trước - Hà Nội- Nghe tin báo động lũ trên sông Hồng, Ngọc Trang từ công ty ở quận Cầu Giấy vội về siêu thị gần nhà để mua chiếc bếp gas mini, trưa 10/9.
Xem tin bài khác
2 phút trước - Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thanh niên Thừa Thiên-Huế đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…
2 phút trước - Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2011, đến nay anh Kiều Sĩ Nguyên (33 tuổi), thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (TP.Hà Nội), đã có 57 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người.
44 phút trước - Nhiều đoạn suối vách đá dựng đứng, các chiến sĩ công an, quân đội... tay không bám đá, vượt dòng suối dữ, tìm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi cuốn hơn 30 người xuống suối ở Cao Bằng.
44 phút trước - Rạng sáng 19-9, đội hình tình nguyện khắc phục hậu quả bão Yagi của tuổi trẻ TP.HCM xuất quân đến các tỉnh phía Bắc.
1 giờ trước - Cuộc đoàn tụ giúp những người con tìm về nguồn cội sau 70 năm người ông, người cha của họ rời khỏi làng quê và mất liên lạc từ đó.