ttth247.com

Phụ huynh lùi ô tô trong sân trường, HS tử vong: Đã cấm, sao vẫn vi phạm?

Phụ huynh lùi ô tô trong sân trường, HS tử vong: Đã cấm, sao vẫn vi phạm?- Ảnh 1.

Vụ việc phụ huynh lùi ô tô trong sân trường khiến một học sinh lớp 2 tử vong mới đây ở Đắk Lắk

ẢNH: C.T.V

Từ năm 2018, Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản, nghiêm cấm phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng đỗ trái phép trong giờ học tại các khu vực sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng các trường học. Thế nhưng, ở vụ việc trên, xảy ra hôm 16.9.2024, chở con đi học bằng ô tô, một phụ huynh điều khiển xe bán tải vào trong sân trường. Khi lùi ô tô, phụ huynh này đã tông trúng em H.N.A.M (7 tuổi, học lớp 2) khiến học sinh này tử vong tại chỗ. Câu chuyện đau lòng khiến bạn đọc Báo Thanh Niên đặt các câu hỏi, vì sao đã có quy định cấm, nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm các quy định, để xảy ra hậu quả?

Những vụ người lớn đi ô tô trong sân trường khiến học sinh thương vong

Quay ngược thời gian về trước, bạn đọc vẫn còn nhớ, ngày 1.12.2016 tại sân Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, một xe taxi đã đi vào sân trường, gây tai nạn giao thông khiến 1 học sinh bị gãy chân.

Ngày 19.4.2018 tại tỉnh Sơn La, cô giáo N.T.H điều khiển lùi ô tô trong sân Trường tiểu học Vân Hồ (bản Pó Nhàng 1, xã Vân hồ, huyện Vân Hồ) khiến 1 em học sinh tử vong, 1 em khác bị thương nặng.

Sau các tai nạn thương tích nghiêm trọng xảy đến với học sinh tại các trường học, năm 2018 Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có văn bản, đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiêm cấm phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng đỗ trái phép trong giờ học tại các khu vực sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng các trường học.

Phụ huynh lùi ô tô trong sân trường, HS tử vong: Đã cấm, sao vẫn vi phạm?- Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn cô giáo lùi ô tô trong sân Trường tiểu học Vân Hồ khiến 1 em tử vong, 1 em bị thương nặng năm 2018

ẢNH: TNO

Năm 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT đề nghị giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm túc các nội dung:

"Yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyên truyền, quán triệt tới tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc luật Giao thông đường bộ, các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17.7.2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về an toàn trường học.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn không cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông, hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

Tăng cường trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong việc quản lý, bao quát, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trong khuôn viên trường học đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong nhà trường, đặc biệt là đối với các em học sinh.

Phối hợp với Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát; tổ chức giao thông tại các nhà trường cho phù hợp để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của học sinh, giáo viên và nhà trường".

Thời gian qua chúng ta có thể thấy, đầu năm học nào, đơn vị trường học nào cũng tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh và học sinh với nhà trường về chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và an toàn giao thông; học sinh, học viên đi xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy khi đủ tuổi hoặc có giấy phép lái xe đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để giảm thiểu chấn thương khi xảy ra các tai nạn giao thông.

Văn bản, quy định đã rõ ràng như thế, phụ huynh và kể cả các giáo viên, nhân viên trường học không thể nào đổ lỗi rằng không biết không được phép lái ô tô vào trong sân trường, hay đổ lỗi vì trời mưa, lái ô tô vào sân trường một lát có làm sao. "Có làm sao" ở đây, bị trả giá bằng chính sức khỏe, tính mạng của các em học sinh.

Phụ huynh lùi ô tô trong sân trường khiến một học sinh tử vong

Tai nạn thương tích khiến nhiều trẻ tử vong, khuyết tật suốt đời

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nay trẻ em trên thế giới nói chung và trẻ em ở Việt Nam nói riêng tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích có xu hướng tăng lên. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5%. Ngoài ra, nhiều trẻ em bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.

Các nguyên nhân thương tích thường gặp đối với học sinh là tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực hoặc do tiếp xúc với các vật nổ như pháo và bao gồm cả trường hợp thương tích do hành động tự tử gây ra.

Theo HCDC, phòng ngừa tai nạn giao thông cũng nằm trong phòng ngừa tai nạn thương tích tại trường học. Để phòng ngừa, tại khu vực trường học cần phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học. Trong giờ học, giờ giải lao phải đóng cổng trường, giám sát việc ra vào của học sinh khi đến trường để đảm bảo an toàn. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về luật giao thông, thực hiện các quy định an toàn giao thông và bảo an toàn khi tham gia giao thông. "Tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho phụ huynh, đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn giao thông, không chạy xe máy trong sân trường, đảm bảo an toàn khi đưa, đón các em học sinh", HCDC nêu rõ.

Tại TP.HCM, tháng 9.2023, Sở GD-ĐT đã có công văn 5244/SGDĐT-CTTT về tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng, trong đó yêu cầu: "Các cơ giáo dục xây dựng phương án cấm các phương tiện xe cơ giới lưu thông, dừng đỗ trong khu vực trường học khi có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; tăng cường trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong việc quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đúng quy định, an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong trường học; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm lưu thông, dừng đỗ xe sai quy định trong khuôn viên trường học".

Hệ thống văn bản, quy định, hướng dẫn, luật đều quy định đầy đủ. Điều còn lại là trông chờ vào ý thức của mỗi người, mà trước tiên là ý thức của chính phụ huynh, giáo viên, nhân viên - những người trưởng thành và là tấm gương để con trẻ nhìn vào, học tập.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - Một phụ huynh ở Đắk Lắk điều khiển xe bán tải đưa con đi học vào trong sân trường, khi lùi xe đã tông tử vong một học sinh lớp 2.
3 ngày trước - Hôm nay (16.9), nhiều trường học ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt sau cơn bão số 3 (Yagi) sẽ đón học sinh trở lại trường. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều ngổn ngang, thiếu trước hụt sau; không ít trường vẫn phải cho học sinh nghỉ học...
1 ngày trước - Để tránh những trường hợp đáng tiếc, nhà trường nên cấm phụ huynh lái ô tô vào trong sân trường đưa đón học sinh.
1 tháng trước - Những đứa trẻ luôn nằm trong top 3 của lớp ngay từ bậc tiểu học có thực sự nhờ vào IQ cao hay có điều gì đặc biệt? Trên thực tế, những đứa trẻ này có một điểm chung là đều có trí nhớ tốt.
1 tháng trước - Dù đã tăng, khung và mức thu học phí đại học vẫn còn thấp, chưa đủ bù chi phí đào tạo, trong khi lương cơ sở tăng khiến các trường khó khăn, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xem tin bài khác
21 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.