ttth247.com

Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập vẫn cơ học, cào bằng

Thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ

Sáng 19.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc phiên họp 36, cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. _ảnh TTXVN.jpg

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

TTXVN

Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2015 - 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương giảm 13,34% (7.449/48.442 đơn vị), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19 của T.Ư Đảng khóa XII (về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).

Cùng với đó, qua giám sát cho thấy, hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Giai đoạn 2015 - 2021 có 1.789.585 người hưởng lương từ ngân sách, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67%, vượt mục tiêu Nghị quyết số 19 đề ra...

Dù vậy, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là sáp nhập, hợp nhất cơ học, chưa tính đến đặc thù của một số ngành, lĩnh vực. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023. Cùng đó, việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp.

Chính sách thúc đẩy xã hội hóa, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường còn chưa đồng bộ. Việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần được tiến hành chậm. Đến nay, trên cả nước mới đạt 22,8%, còn rất thấp so với mục tiêu đến năm 2025 đạt mức 100%. Cạnh đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ. Tính đến hết năm 2021, chỉ có 6,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập đạt tự chủ từ mức 2 trở lên, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tổng chi thường xuyên từ ngân sách cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm...

Khắc phục dứt điểm tồn tại, hạn chế

Góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc tốc độ sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập chậm lại ở giai đoạn sau cho thấy sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều điểm tương đồng với cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị có điều kiện, có khả năng thì làm rất nhanh, tốt; những đơn vị sự nghiệp công lập còn lại đang có vướng mắc bất cập. Từ đó, ông Thanh đề nghị có giải pháp quyết liệt như cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp mới đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Quan tâm việc thúc đẩy xã hội hóa, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, mấu chốt để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục chính là tiếp cận đất đai. Do đó, ông đề nghị trong kiến nghị về giải pháp cần có cơ chế đặc thù, vượt trội để khuyến khích hỗ trợ việc xã hội hóa các dịch vụ công, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn lực đất đai.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đánh giá, trong đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua nhiều việc còn chậm, từ thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước cho tới việc chuyển giao các đơn vị sự nghiệp công lập từ T.Ư về cho địa phương quản lý. Từ đó, Chủ tịch QH đề nghị báo cáo phải làm rõ việc chậm này ở địa phương, bộ, ngành, đơn vị nào.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chủ tịch QH cho hay, đoàn giám sát kiến nghị 3 nhóm giải pháp, gồm hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và bảo đảm nguồn lực. Tuy nhiên, Chủ tịch QH đề nghị phải rà soát kỹ cả 3 nhóm giải pháp này, nhất là việc hoàn thiện thể chế. "Bây giờ, ai đi đâu cũng nói phải hoàn thiện thể chế. Hoàn thiện cái gì, hoàn thiện ở đâu phải chỉ ra. QH quyết luật trên cơ sở của bộ, ngành, Chính phủ trình qua QH, hai bên thảo luận, nhưng sau đó lại nói là QH quyết luật gây khó khăn, khó thực hiện", Chủ tịch QH thẳng thắn.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, các giải pháp nêu ra phải đủ mạnh, bao trùm để giải quyết đến nơi đến chốn, khắc phục dứt điểm tồn tại, hạn chế mà báo cáo đoàn giám sát chỉ ra. Theo Chủ tịch QH, có 3 "điểm nghẽn" chính cần được giải quyết. Thứ nhất là khắc phục tính cơ học trong sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai là tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị này. Cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị ngoài công lập với doanh nghiệp, đơn vị thuộc nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Dừng dịch vụ điện thoại 2G, quy định mới về số lượng cấp phó, sắp xếp lại đơn vị hành chính nhiều địa phương là những chính sách có hiệu lực từ tháng 9.
1 tháng trước - Chủ tịch Quốc hội lưu ý rà soát, xem có công đoạn nào làm chưa kỹ để rút kinh nghiệm, lãnh đạo các bộ phải ngồi xem xét từng khoản, từng điều, từng chương, không phải ủy nhiệm cho một bộ phận, một vụ, hay một thứ trưởng.
1 tháng trước - Trong các ngày 21 - 22.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 9 nhóm lĩnh vực về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021) đến hết 2023.
1 tháng trước - “Có những bộ trưởng, trưởng ngành nói sao ngành tôi được chất vấn nhiều lần thế, tôi nói các đồng chí được chất vấn nhiều thì cử tri, nhân dân sẽ hiểu rõ ngành mình, đại biểu Quốc hội sẽ hiểu rõ ngành mình...“, Chủ tịch Quốc hội Trần...
1 tháng trước - Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập đạt mục tiêu song không hiệu quả khi chủ yếu là người nghỉ hưu, bệnh tật.
Xem tin bài khác
22 phút trước - Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (19/9) và sáng sớm nay (20/9), khu vực từ Nghệ An đến Bắc Quảng Trị có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 19/9 đến 3h ngày 20/9 có nơi trên 100mm như: Hương...
1 giờ trước - Hôm qua 19.9, TAND TP.HCM bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm ở giai đoạn 2 về các tội danh 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'rửa tiền' và 'vận chuyển trái phép...
1 giờ trước - Nhiều ý kiến ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường để tập trung học tập. Bên cạnh đó, một số bạn đọc cho rằng việc này nên áp dụng linh hoạt.
1 giờ trước - Theo báo cáo năm 2023, chỉ riêng án dân sự đã có tới hơn 8.000 án bị hủy, sửa dẫn đến vụ án kéo dài, gây ra nhiều tốn kém, hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý.
1 giờ trước - Theo dự báo, dù cơn bão số 4 đã đi vào đất liền và tan trên khu vực miền Trung nước Lào, tuy nhiên khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Trị sẽ có lượng mưa rất lớn trong ngày 20.9.