ttth247.com

Thực hiện Net Zero, phải có điện hạt nhân

Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, từ đó báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Để có nguồn điện ổn định dài hạn

Trước đó Bộ Công Thương đặt vấn đề phát triển các nguồn năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân khi lấy ý kiến sửa đổi Quy hoạch điện 8.

Theo bộ này, hiện có trên 30 quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân, tạo ra khoảng 9,1% lượng điện năm 2023.

Nguồn điện này chủ yếu phát triển tại châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Mỹ là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất. Với Việt Nam, Quy hoạch điện 8 chưa đưa vào phát triển điện hạt nhân.

Thực tế, năm 2010 quy hoạch phát triển điện hạt nhân đã được phê duyệt, với hai địa điểm được tư vấn của Nga và Nhật Bản khảo sát, lựa chọn là Phước Dinh và Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận).

Năm 2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Mặc dù Quy hoạch điện 8 được phê duyệt với tỉ trọng lớn là năng lượng tái tạo, giảm các nguồn điện truyền thống, song điện hạt nhân vẫn chưa phải là ưu tiên được lựa chọn.

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, các chuyên gia thuộc Hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam cho rằng việc sớm tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân là cần thiết.

Bởi ngoài việc cung cấp điện năng công suất lớn, ổn định, giá thành phù hợp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, chiếm ít diện tích đất thì nguồn điện này ít phát thải khí nhà kính nhất và sẽ trở thành nguồn điện quan trọng giảm nhẹ tác động đến biến đổi khí hậu.

"Trong bối cảnh hạn chế phát triển nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than, việc quy hoạch phát triển các nguồn điện sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn có công suất lớn, ổn định, giá thành phù hợp.

Điện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Công nghệ điện hạt nhân ngày càng tiên tiến, có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối theo các yêu cầu khắt khe", kiến nghị được nêu trong báo cáo gửi Chính phủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lã Hồng Kỳ, văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, cho rằng điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu của một nguồn điện nền ổn định với chi phí giá thành chấp nhận được.

Bởi trong cơ cấu nguồn hiện nay, thủy điện không còn nhiều dư địa để khai thác, điện than sẽ giảm dần và dừng phát triển, việc phát triển nguồn điện khí cũng khó khăn và chi phí giá thành cao.

Ông Kỳ nói để đảm bảo an ninh năng lượng cần đa dạng hóa nguồn năng lượng và phải có nguồn điện nền ổn định. Vì vậy, việc lựa chọn các nguồn điện thay thế trong đó có điện hạt nhân là phù hợp.

Bởi theo ông Kỳ, đây là nguồn điện có tính ổn định cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp bảo vệ môi trường, chống phát thải khí nhà kính, nhằm thực hiện mục tiêu cam kết tại COP26.

"Thực tế các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều đang sử dụng điện hạt nhân, với công nghệ ngày càng được cải tiến. Vì vậy, nếu Việt Nam lựa chọn điện hạt nhân sẽ có lợi thế là tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới.

Mặc dù suất đầu tư ban đầu với điện hạt nhân cao nhưng hiệu quả tổng thể cao hơn, càng làm thì sẽ càng tối ưu hiệu suất và có giá rẻ hơn, kéo theo các lợi ích kép về phát triển kinh tế - xã hội. Có thể khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để tận dụng những thành quả đã nghiên cứu", ông Kỳ nói thêm.

Lựa chọn công nghệ nào để an toàn

Bộ Công Thương nhìn nhận việc phát triển điện hạt nhân đang có những thuận lợi khi nhiều nước trên thế giới đang phát triển điện hạt nhân.

Đặc biệt là có thể xem xét phát triển lò phản ứng hạt nhân mô đun nhỏ (SMR), nhà máy điện hạt nhân nổi. Bởi SMR là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất lên tới 300MW mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng hạt nhân truyền thống.

SMR có thể sản xuất một lượng lớn điện có hàm lượng carbon thấp, được kết hợp và tăng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giúp các quốc gia giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững.

Dự kiến, các lò SMR có thời gian xây dựng khá ngắn với khoảng 24 - 36 tháng, có thể được triển khai từng bước để phù hợp với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam lại cho rằng các lò SMR dù được đánh giá là có mức độ an toàn cao hơn, song cần thêm thời gian để triển khai, kiểm chứng công nghệ và an toàn.

Đặc biệt khi các lò này sử dụng kim loại lỏng làm mát nên dự báo công nghệ SMR sẽ được phổ biến sau 30 - 40 năm nữa.

Trong khi đó, các lò đang được xây dựng hiện nay là lò nước áp lực thế hệ lò III, III+ (VVER-1200, AP1000, EPR1600, APR1400, HPR-1000, hay còn gọi là HuaLong One, ACR700...).

Đây là các lò tiên tiến, có hệ thống an toàn thụ động, đảm bảo trong trường hợp sự cố xấu nhất xảy ra cũng không phải sơ tán người dân, tránh được các sự cố nặng xảy ra gây hậu quả đến môi trường và con người.

Vì vậy, các chuyên gia năng lượng nhận định ngành công nghiệp điện hạt nhân thế giới tiếp tục tồn tại và phát triển trong 40 - 50 năm tiếp theo với công nghệ lò nước nhẹ nên trước hết cần ưu tiên nguồn điện hạt nhân với công nghệ lò nước khi xem xét khởi động lại chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam.

Theo ông Lã Hồng Kỳ, việc xem xét phát triển điện hạt nhân là một chủ trương lớn, đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý vững chắc.

Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là từ cơ sở nghiên cứu, cần xác định rõ quan điểm về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, xem xét đây là nguồn điện lớn giữ vai trò điện nền trong toàn hệ thống hay không?

Từ đó làm căn cứ để xác định công suất nguồn điện, tỉ lệ phần trăm trong toàn hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển của hệ thống điện quốc gia và trong mối quan hệ với các nguồn điện khác. Việc xác định công suất, tỉ lệ cơ cấu nguồn điện là căn cứ để lựa chọn công nghệ và mô hình phát triển cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu điện hạt nhân của các nước, đề xuất phát triển loại năng lượng này tại VN. Như vậy, sau hơn 1 thập niên, trước nhu cầu về nguồn điện, VN có thể khởi động lại phát triển điện hạt nhân trong tương...
3 tuần trước - Hơn 50 nhân viên Vinamilk đã đến Đất Mũi, Cà Mau - nơi doanh nghiệp triển khai dự án Cánh rừng Net Zero năm thứ 2. Đây là một hoạt động hàng năm của Vinamilk để tái sinh rừng ngập mặn, hình thành bể hấp thụ carbon hướng đến mục tiêu Net...
3 tuần trước - Hơn 50 nhân viên Vinamilk vừa đi đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau – nơi doanh nghiệp đang triển khai dự án Cánh rừng Net Zero trong giai đoạn 2023-2029. Đây là một trong nhiều hoạt động được Vinamilk triển khai hàng năm để tái sinh cánh rừng...
3 tuần trước - 25ha khu vực cánh rừng Net Zero của Vinamilk phối hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã bước sang năm thứ 2 trong dự án kéo dài 6 năm (2023-2029). Nhiều hoạt động nghiên cứu, đồng hành, báo cáo đã được doanh...
6 ngày trước - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm...
Xem tin bài khác
8 phút trước - Lo ngại phiên đấu giá 27 thửa đất nội thành Hà Nội có thể sẽ diễn ra xuyên đêm vì tổ chức theo hình thức bỏ phiếu nhiều vòng nên nhiều khách hàng mang đồ ăn lấy sức để tham gia đến cuối phiên đấu giá.
14 phút trước - Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa bị Tổng cục Thuế xử phạt 4,49 tỉ đồng vì các hành vi khai sai thuế, sử dụng hóa đơn không đúng quy định, có tình tiết tăng nặng vì vi phạm nhiều lần.
20 phút trước - Apple được cho là đã hợp tác với BYD trong dự án xe điện kéo dài 10 năm của "táo khuyết".
20 phút trước - Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao việc duy trì thói quen lại khó khăn đến vậy? Từ việc tập thể dục hàng ngày đến việc ăn uống lành mạnh, những thói quen tốt thường khó giữ vững. Vậy, tiềm thức ảnh hưởng đến thói quen như thế nào? Hãy cùng...
20 phút trước - Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên vừa đăng tải bức ảnh mà họ cho là chiếc máy bay không người lái (UAV) đã rải tờ rơi ở Bình Nhưỡng.