ttth247.com

Tự 'bắt bệnh' qua màu sắc, mùi nước tiểu

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, phó trưởng khoa thận lọc máu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), cho biết xét nghiệm nước tiểu là một trong những cách hỗ trợ kiểm tra không xâm lấn và theo dõi sức khỏe khá đơn giản. 

Chính bản thân mỗi người cũng có thể tự phát hiện những bất thường của nước tiểu thông qua mùi, màu sắc, độ đục trong.

Theo bác sĩ Thủy, bình thường nước tiểu có độ trong vắt cho tới hơi đục. Nước tiểu vẩn đục có mặt vi khuẩn, mỡ, hồng cầu, bạch cầu hoặc do thay đổi pH niệu. Nước tiểu vẩn đục có thể do lẫn chất tiết ở âm đạo.

Mùi, màu nước tiểu báo động điều gì cho cơ thể?

Bình thường nước tiểu có màu vàng trong, nếu pha loãng có màu vàng nhạt, nếu bị cô đặc sẽ cho màu vàng sẫm.

Nhưng nếu nước tiểu màu đỏ có thể có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng mạch thận, chấn thương thận, u thận; do dùng thuốc (ví dụ rifampicin, rifabutin….); do thức ăn (củ cải, thanh long đỏ). 

Màu nâu có thể là do sự hiện diện hemoglobin (huyết sắc tố), myoglobin (một loại protein). Màu vàng sậm cần quan tâm đến chỉ số bilirubin (sắc tố màu vàng sinh ra trong quá trình thoái giáng hồng cầu) hay do thuốc tetracyclin.

Màu trắng đục có thể do nhiều protein (tổn thương cầu thận), mủ, tinh thể, dưỡng chấp. Cuối cùng, nước tiểu màu xanh lơ/xanh sậm có thể do nhiễm khuẩn tiết niệu, dùng thuốc (xanh methylen, cimetidin).

Bình thường nước tiểu có mùi khai sau một khoảng thời gian đi tiểu. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có mùi hoa quả ngọt có thể có ceton niệu. 

Nước tiểu có mùi hôi có thể dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Mùi khai ngay sau đi tiểu có thể đây là dấu hiệu của nhiễm khuẩn tiết niệu do proteus (vi khuẩn thường trú trong đường ruột). Nếu mùi mốc có thể do thức ăn như măng tây, tỏi.

Về số lượng nước tiểu hằng ngày, bác sĩ cho biết người bình thường uống đủ nước, đi tiểu khoảng 1.500ml - 2.000ml/ngày.

Bác sĩ Thủy cho biết thêm, việc xét nghiệm nước tiểu nhằm phát hiện và đo lường các hợp chất khác nhau đi qua nước tiểu của người bệnh bằng cách sử dụng một mẫu nước tiểu duy nhất. Thông qua kết quả xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý hoặc tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

"Xét nghiệm nước tiểu cần được tiến hành khi khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong nước tiểu, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu để được thăm khám, điều trị đúng, tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm nước tiểu

Cử nhân xét nghiệm Nguyễn Thị Khuyên, khoa xét nghiệm trung tâm - giải phẫu bệnh (Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh), cho biết thông thường chỉ số nước tiểu sẽ được thể hiện qua một số chỉ số cơ bản như hồng cầu, bạch cầu, tỉ trọng nước tiểu.

Dựa vào chỉ số này có thể biết được trọng lượng riêng của nước tiểu. Từ đó bác sĩ có thể biết nước tiểu của người bệnh hiện đang loãng hay đặc khi người bệnh uống nhiều nước hay thiếu nước.

Chỉ số SG bình thường rơi vào khoảng 1.015 - 1.025. Thông qua chỉ số này có thể đánh giá các bệnh lý về thận như viêm đài bể thận, bệnh lý ống thận; bệnh lý về gan; đái tháo đường…

- Chỉ số LEU hay BLO (Leukocytes) - tế bào bạch cầu: Chỉ số này cho biết trong nước tiểu có chứa bạch cầu hay không. Thông thường, bạch cầu không xuất hiện trong nước tiểu. Tuy nhiên nếu chỉ số bạch cầu dương tính có nghĩa bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng đường niệu.

- Chỉ số Nitrit (NIT) - hợp chất do vi khuẩn sinh ra: Nếu sức khỏe bình thường, chỉ số NIT sẽ là âm tính. Đây là chỉ số thể hiện gián tiếp sự có mặt của vi khuẩn đường niệu thông qua sản phẩm mà nó sinh ra. Vi khuẩn thường gây nhiễm trùng đường niệu là E. Coli.

- Chỉ số pH - độ acid nước tiểu: Chỉ số pH dùng để đánh giá tính acid - bazơ của nước tiểu. Với người bình thường chỉ số pH sẽ từ 4.6 - 8. Nếu pH nhỏ hơn hoặc bằng 4 có nghĩa nước tiểu đang có tính acid cao. Chỉ số pH cao hơn hoặc bằng 9 cho thấy nước tiểu có tính bazơ mạnh.

Từ chỉ số xét nghiệm pH nước tiểu bất thường có thể cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn thận, suy thận, nôn mửa, hẹp môn vị, tiểu đường, mất nước, tiêu chảy…

Chỉ số pH nước tiểu cũng liên quan tới chế độ ăn. Người ăn chay thường có chỉ số pH cao, người ăn nhiều đạm thường có chỉ số pH thấp.

- Chỉ số BLD (Blood) - hồng cầu niệu: Thông thường trong nước tiểu không có hồng cầu niệu. Tuy nhiên nếu xuất hiện chỉ số này có khả năng người bệnh bị tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, xuất huyết bàng quang hoặc bướu thận, sỏi thận… 

Khi kết quả xét nghiệm hồng cầu niệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp thêm các phương pháp khác để chẩn đoán tìm ra tổn thương cơ quan gây xuất hiện máu trong nước tiểu như: thận, bàng quang, niệu đạo,…

- Chỉ số PRO (Protein): Người bình thường sẽ không xuất hiện chỉ số protein trong nước tiểu. Sự xuất hiện một lượng nhỏ hoặc một lượng protein trong nước tiểu cho thấy nguy cơ gặp phải bệnh lý ở thận, có thể gây nhiễm trùng đường tiểu hoặc bệnh lý gây nước tiểu có máu.

Với phụ nữ mang thai, chỉ số protein thường được dùng để theo dõi và chẩn đoán sớm một số bệnh lý. Như bệnh lý tăng huyết áp, tiền sản giật, nhiễm trùng huyết… 

Nếu PRO xuất hiện trong nước tiểu là albumin, thai phụ cần lưu ý nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén hoặc tiểu đường thai kỳ.

- Chỉ số GLU (Glucose): Chỉ số GLU thường xuất hiện ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó, những bệnh nhân mắc bệnh lý ống thận, viêm tụy, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể xuất hiện glucose trong nước tiểu.

- Chỉ số BIL (Bilirubin): Khi hemoglobin trong hồng cầu vỡ ra, tạo một sắc tố màu vàng cam đó chính là bilirubin. Bình thường, phần lớn bilirubin được đào thải qua đường tiêu hóa, chỉ một phần rất nhỏ chuyển thành urobilinogen có trong nước tiểu.

Do đó bilirubin trong nước tiểu bình thường là âm tính hoặc rất thấp. Chỉ số này cao bất thường gợi ý bệnh lý gan mật.

- Chỉ số KET (Keton): Chỉ số KET ở người bình thường từ 2.5 - 5mg/dL hoặc 0.25 - 0.5 mmol/L. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai chỉ số này thường không có hoặc thấp hơn bình thường.

Chỉ số KET tăng thường xảy ra ở những bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát tốt. Hoặc người nghiện rượu, nhịn ăn trong thời gian dài hoặc chế độ ăn ít carbohydrate.

Trong trường hợp phụ nữ mang thai có chỉ số KET bất thường, có thể là cảnh báo thấy thai phụ và thai nhi đang thiếu dinh dưỡng, làm việc quá sức hoặc nghỉ ngơi không hợp lý.

- Chỉ số UBG - Urobilinogen: Thực tế, UBG là sản phẩm thoái hóa của bilirubin. Ở người bình thường, UBG không có trong nước tiểu. Nếu có chỉ số UBG đó có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh có nguy cơ mắc viêm gan, xơ gan do vi rút, nhiễm khuẩn, hoặc ở bệnh nhân suy tim xung huyết có vàng da.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Việt Nam hiện có hàng triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Số ca mắc mới gia tăng khi mỗi năm có thêm 8.000 người suy thận. Bệnh gây nhiều biến chứng và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
1 tháng trước - 'Cà phê là thức uống phổ biến được nhiều người yêu thích, nhưng không phải ai cũng biết được lợi ích của việc uống cà phê không đường'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
3 tuần trước - Hiện bệnh sởi đang bùng phát ở một số nơi, đặc biệt có nơi trở thành dịch. Vậy mắc sởi có nên tắm không?
2 tuần trước - Rửa tay đúng cách, sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột sau bão lũ.
2 tuần trước - Con gái tôi 10 tháng tuổi, vài ngày trước bé sốt 38-39 độ C, chảy nước mũi và nước mắt như bị cúm.
Xem tin bài khác
19 phút trước - TP HCM- Anh Trọng Thức, 43 tuổi, vừa chăm mẹ suy thận giai đoạn cuối vừa liên hệ nhiều bệnh viện tìm suất chạy thận, song một tháng qua chưa nơi nào nhận.
43 phút trước - Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ở Philippines đã phát triển thành công một giống lúa mới có khả năng giúp giảm bớt căn bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn thế giới.
43 phút trước - Sau khi có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, tình trạng thiếu đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu ở một số cơ sở y tế.
1 giờ trước - Từ lâu quả sung đã được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe bao gồm các rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa và tim mạch.
1 giờ trước - Các nghiên cứu đã khẳng định những thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, trong khi một chế độ ăn giàu dinh dưỡng có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển các khối u ác tính.