ttth247.com

Vì sao cá đuối kim chích có thể gây nhiễm trùng phải cưa xương bàn chân?

Cơ quan chức năng H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết thời gian gần đây trên bãi biển Hồ Tràm xuất hiện rất nhiều cá đuối kim bằng bàn tay người lớn. Các con cá đuối kim này chủ yếu nằm ven bờ, dưới lớp cát mịn, khi thủy triều rút, cá không kịp bơi ra biển. Lúc này, người dân hay du khách tắm biển không may đạp lên thân cá thì bị đuôi cá đuối sẽ chích vào chân.

Cụ thể, ngày 15.9, một du khách đến biển Hồ Tràm tắm biển, không may đạp trúng cá đuối kim đã bị con cá này chích gây thương tích, đau nhức phải đi cấp cứu.

Trước đó 4 tháng, anh L.V.M (46 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa) đến biển Hồ Tràm tắm thì không may đạp trúng cá đuối kim bị đuôi cá chích vào lòng bàn chân gây đau nhức. Anh M. đến cơ sở y tế sơ cứu vết thương nhưng sau đó lòng bàn chân của anh đã sưng đỏ, đau buốt không thể đi lại. Vài ngày sau, vết thương ở lòng bàn chân của anh M. càng trở nên nghiêm trọng, tạo áp xe. Anh M. đã mất gần 2 tháng để điều trị vết thương này.

Tương tự, đã có trường hợp bị cá đuối kim chích, bệnh nhân chủ quan tự chăm sóc vết thương ở nhà khiến vết thương bị hoại tử nặng, phải cắt xương bàn chân.

Vì sao cá đuối kim chích có thể gây nhiễm trùng phải cưa xương bàn chân?- Ảnh 1.

Một trường hợp bị cá đuối kim chích phải cưa xương bàn chân

ẢNH: N.L

Gai nhọn của cá đuối đâm sâu vào mô và tiêm nọc độc vào cơ thể

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, cá đuối kim, hay còn gọi là cá đuối gai, có nhiều gai nhọn và rất bén, ở đuôi chứa nhiều độc tố mạnh. Nguyên nhân chính gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi bị cá đuối kim chích là do gai nhọn này đâm sâu vào mô thịt và tiêm trực tiếp nọc độc vào cơ thể nạn nhân.

"Nọc độc này chứa nhiều loại protein độc hại, có khả năng gây ra các phản ứng viêm nhiễm mạnh, phá hủy tế bào, gây đau đớn dữ dội và thậm chí là gây sốc phản vệ và hoại tử ở vị trí bị chích. Các gai độc của cá đuối thường bị gãy và ghim lại trong vết thương, tiếp tục giải phóng nọc độc và gây nhiễm trùng", bác sĩ Lịch phân tích.

Cá đuối kim thường sống ở vùng nước nông, ven biển, cửa sông, nơi có thể chứa nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn Vibrio - một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng vết thương rất nguy hiểm. Các triệu chứng khi bị cá đuối kim chích có thể gồm: Đau nhức dữ dội, sưng tấy, đỏ vị trí bị cắn, khó thở, tim đập nhanh...

Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, vết thương do cá đuối kim chích có thể dẫn đến hoại tử mô, nhiễm trùng huyết, thậm chí đe dọa tính mạng. Trong một số trường hợp nặng, việc cắt bỏ phần mô bị tổn thương là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

Vì sao cá đuối kim chích có thể gây nhiễm trùng phải cưa xương bàn chân?- Ảnh 2.

Cá đuối kim, hay còn gọi là cá đuối gai, có nhiều gai nhọn và rất bén, ở đuôi chứa nhiều độc tố mạnh

ẢNH: PEXELS

Cách xử trí khi bị cá đuối kim chích

Khi không may bị cá đuối kim chích, cần thực hiện ngay các biện pháp sơ cứu sau:

Rửa sạch vết thương: Dùng nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn rửa sạch vết thương để loại bỏ nọc độc và các chất bẩn.

Không tự ý nặn hoặc bóp vết thương: Tránh làm độc tố lan rộng.

Ngâm vết thương: Ngâm vết thương vào nước nóng (khoảng 45 độ C) trong vòng 30-60 phút để giảm đau và làm chậm quá trình lan tỏa của nọc độc.

Loại bỏ gai (nếu có thể): Nếu gai nhọn còn nằm trong vết thương và có thể loại bỏ nó một cách an toàn, hãy dùng kẹp đã được khử trùng để gắp ra. Tuy nhiên, nếu gai nằm sâu hoặc khó có thể lấy ra được, hãy để nhân viên y tế xử lý.

Gọi cấp cứu: Liên hệ ngay với trung tâm y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Ngay cả khi đã sơ cứu, việc đến cơ sở y tế gần nhất là vô cùng quan trọng để được kiểm tra, làm sạch vết thương, tiêm phòng uốn ván (nếu cần) và điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bác sĩ Lịch khuyến cáo khi đi biển, lưu ý các vùng gần bờ biển cần đi giày bảo hộ, tránh chạm vào các sinh vật biển lạ. Tìm hiểu, nhận dạng các loài sinh vật biển độc để tránh bị chích.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Hiện bệnh sởi đang bùng phát ở một số nơi, đặc biệt có nơi trở thành dịch. Vậy mắc sởi có nên tắm không?
59 phút trước - Ráy tai có vai trò ngăn chặn vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào tai, không nên dùng tăm bông hay dụng cụ ngoáy bởi có thể gây chấn thương.
1 tháng trước - Dù trong lòng trào dâng sự khinh ghét, các nhân viên y tế vẫn cố gắng chữa trị hết mình cho những bệnh nhân là tội phạm. Tuy nhiên, họ có thể từ chối một số trường hợp để tránh hiểu lầm.
1 tháng trước - Tình trạng người bệnh xếp hàng từ đêm, bốc số thứ tự đợi đến lượt thăm khám bệnh không còn xa lạ gì tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y...
1 tháng trước - Số ca mắc bệnh sởi tại TP.HCM đang tăng liên tục từ tháng 5-2024 đến nay. TP.HCM đã có 16 quận, huyện có ca mắc sởi và 3 trẻ tử vong.
Xem tin bài khác
4 phút trước - Bất kể mắc bệnh gì, từ dạ dày, tiểu đường, đại tràng đến ung thư, chỉ cần uống nước tại cơ sở này sẽ khỏi bệnh. Nghe lạ lùng là vậy, thế nhưng không ít người 'có bệnh vái tứ phương' vẫn đến tìm 'thần y' để trị bệnh.
58 phút trước - Trứng, các loại hạt, rau củ quả nhiều màu sắc giàu chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa bệnh tật.
58 phút trước - Gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng, song có thể dựa vào dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, đau dưới mạn sườn phải, sưng bàn chân.
59 phút trước - Choline, folate, sắt, omega-3, protein cần thiết cho não, thường có nhiều trong các thực phẩm quen thuộc mà phụ huynh nên đưa vào thực đơn của trẻ mỗi ngày.
1 giờ trước - Tôi 34 tuổi, vừa phát hiện bị ung thư tinh hoàn, muốn trữ tinh trùng trước khi điều trị. Tôi nên trữ bao nhiêu mẫu, quy trình như thế nào? (Hữu Minh, Bình Dương)