ttth247.com

Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Các bị cáo thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền từ trước khi thực hiện hành vi

Sáng 17/10, TAND TP.HCM bước vào phần công bố bản án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 33 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.

Sau hơn 3h tóm lược quá trình diễn ra phiên xử trong gần một tháng qua, HĐXX khẳng định căn cứ các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo, có đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện loạt hành vi phạm tội như: Lừa đảo chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền 445.747 tỷ và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng). 

Theo chủ tọa phiên tòa, VKS truy tố các bị cáo về các tội danh tương ứng là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền từ trước khi thực hiện hành vi- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 17/10. Ảnh: X.H.

Tòa xác định bà Trương Mỹ Lan nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chi phối SCB. Sau khi nghe Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB) về việc phát hành trái phiếu nhằm xử lý khó khăn về tài chính, bà Lan cùng các bị cáo thống nhất sử dụng 4 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.

Để thực hiện, bị cáo đã họp với các lãnh đạo chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu thông qua 4 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra); đồng thời chọn 5 công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng mua sơ cấp số trái phiếu của 4 công ty trên và Công ty cổ phần đầu tư Sai Gon Peninsula (đối tác) để lên phương án tạo dòng tiền khống tại SCB, hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp.

Trong 4 công ty phát hành nêu trên, An Đông, Sunny World và Quang Thuận có đủ điều kiện phát hành, còn Công ty Setra thực tế kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, các bị can đã "xử lý kỹ thuật" với kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C sửa báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán để công ty này đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 90/2011 và Điều 4 Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, "doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp...". Để lách các quy định này, nhóm bà Lan lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty phát hành với 5 công ty trái chủ sơ cấp, công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống. Như vậy sẽ hợp thức hóa mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư vào các dự án sinh lời.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền từ trước khi thực hiện hành vi- Ảnh 2.

Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: X.H.

"Ngân hàng SCB đã sử dụng hơn 239 điểm giao dịch trên cả nước để tư vấn các gói trái phiếu. Trước khi bán trái phiếu cho người dân để thu tiền, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để khách hàng mua trái phiếu sơ cấp. Sau đó, các bị cáo dùng tiền này vào các mục đích như trả nợ ngân hàng...", HĐXX nói.

Đồng thời, các cá nhân được thuê lập, ký khống các chứng từ giao dịch (nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản) và hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB trong cùng một ngày, nhằm tạo nguồn tiền 30.869 tỷ đồng cho các trái chủ sơ cấp chuyển tiền cho 4 công ty phát hành để mua gần 309 triệu trái phiếu.

Sau khi hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp, bà Lan và đồng phạm hoàn thành việc tạo lập 25 gói trái phiếu khống và bán cho 35.824 nhà đầu tư thứ cấp.

HĐXX xác định quá trình phát hành trái phiếu có sự tham gia của nhiều cá nhân thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB phối hợp triển khai. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn gian dối từ việc lựa chọn các công ty phát hành, các công ty mua sơ cấp đến việc xử lý dòng tiền khống và dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu. Như vậy, tội phạm hoàn thành từ thời điểm tiền của bị hại đã chuyển vào SCB.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền từ trước khi thực hiện hành vi- Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 17/10. Ảnh: X.H.

Sau khi chiếm đoạt, các bị cáo đã thực hiện tiếp nhiều thủ đoạn gian đối để rút tiền mặt, che giấu dòng tiền sử dụng vào nhiều mục đích không đúng với phương án phát hành. Các bị cáo đã xây dựng một quy trình từ việc lựa chọn công ty phát hành, ký các hợp đồng khống, chạy dòng tiền khống, bán cho các công ty sơ cấp, phân phối cho hàng trăm nghìn người dân.

"Quy trình này thể hiện ý thức chiếm đoạt có từ trước khi thực hiện hành vi. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội danh nên toà không có căn cứ chấp nhận quan điểm của một số bị cáo và luật sư cho rằng 'không nhận thức được hành vi khi thực hiện tội phạm'", HĐXX nêu quan điểm.

Cũng từ lập luận trên, tòa bác quan điểm của Võ Tấn Hoàng Văn và các luật sư cho rằng "chỉ giúp bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 7.000 tỷ đồng của nhà đầu tư". Theo tòa, bị cáo Văn là người triển khai việc phân phối trái phiếu đến khách hàng nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ hậu quả.

Theo HĐXX, căn cứ vào diễn biến phiên tòa, lời khai các bị cáo, những tài liệu liên quan, những người liên quan… Do đó, đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm trong vụ án bị truy tố vào các tội danh như cáo trạng nêu là có căn cứ và đúng pháp luật.

Bị cáo Trương mỹ Lan là người đứng đầu Vạn Thịnh Phát, chi phối ngân hàng SCB, đã đồng ý sử dụng công ty thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu, chiếm đoạt hơn 300 nghìn tỷ đồng của hơn 35 nghìn bị hại. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm cao nhất, áp dụng mức án nghiêm khắc, cao hơn những bị cáo còn lại.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đã chỉ đạo nhân viên SCB tư vấn khách hàng mua trái phiếu, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của các bị hại. Bị cáo cũng ký hơn 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài để giúp cho Trương Mỹ Lan. Do đó, khi lượng hình cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, mức hình phạt thấp hơn Lan nhưng cao hơn các bị cáo khác.

Dự kiến, chiều nay HĐXX sẽ tuyên mức án với 34 bị cáo.

Source: danviet.vn

Các bài tương tự
1 ngày trước - Tại phiên tòa sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên mức án chung thân cho 3 tội danh. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị phạt mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 23 năm tù.
19 giờ trước - Nghi án sát hại bạn gái sau màn cầu hôn; tìm thấy thi thể 2 nữ sinh nghi nhảy cầu tự tử ở Hòa Bình; chi tiết mức án tuyên các bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2... là những tin nóng 24 giờ qua.
1 ngày trước - Chiều 17-10, Hội đồng xét xử đã tuyên mức án cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
1 ngày trước - Sáng 17/10, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo được áp giải đến TAND TP.HCM để chuẩn bị cho phần tuyên án.
3 tuần trước - Tại phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan khẳng định hành vi vận chuyển tiền chỉ liên quan tới mình, xin chịu hết toàn bộ trách nhiệm và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong nhóm tội danh này.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Tôi có bằng lái xe hạng C sắp hết hạn nhưng do đang làm việc ở Nhật Bản mấy năm nữa mới về, có được tự động cấp đổi hay phải làm thủ tục thế nào?
2 giờ trước - Trần Văn Tài - trưởng phòng giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) chi nhánh Mạo Khê (tỉnh Quảng Ninh) - bị khởi tố, bắt tạm giam vì tham ô tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
3 giờ trước - Quảng Ngãi- Phạm Hoàng Hữu, 37 tuổi, trong 30 giây lén lấy ôtô Hyundai Accent, chạy trốn khoảng 120 km thì bị bắt ở trạm BOT Bắc Bình Định.
3 giờ trước - Nhiều tình tiết trong vụ triệt phá, giải cứu 58 phụ nữ trẻ tại ổ nhóm tội phạm dâm ô có tổ chức núp bóng cơ sở kinh doanh karaoke - massage G7 được hé lộ.
4 giờ trước - Vụ cháy chung cư mini trong đêm khiến nhiều người bị mắc kẹt, và cảnh sát đã đưa xe thang tới giải cứu.