ttth247.com

Xin giao rừng làm dự án rồi để mất rừng

Những năm qua tỉnh Kon Tum đã giao đất, giao rừng cho nhiều doanh nghiệp triển khai dự án kinh tế, du lịch tại huyện Kon Plông. Trong số này, không ít doanh nghiệp được giao quản lý các vùng rừng xanh tốt nhưng tới khi cơ quan chức năng đi kiểm tra chỉ còn đất trống.

Giao rừng, kiểm tra còn đất trống

Cụ thể, theo chi cục kiểm lâm tỉnh Kontum, Công ty cổ phần dược liệu MEKONG được giao dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng một số cây dược liệu quý hiếm tại thị trấn Măng Đen.

Thời điểm giao rừng khu vực này rừng tự nhiên thường xanh. Sau thời gian hoạt động, cơ quan chức năng đi kiểm tra phát hiện hơn 23.000m2 rừng tại đây không còn rừng.

Hay dự án đầu tư nông trại hữu cơ của HTX Tuyến Sơn Kon Plông được giao cho thuê rừng tự nhiên, rừng hỗn giao tại Tiểu khu 474, xã Măng Cành. Sau khi giao rừng, cơ quan chức năng đi kiểm tra phát hiện hơn 11.000m2 không còn rừng.

Tương tự, 7.500m2 rừng tự nhiên, rừng trồng thông ba lá tại tiểu khu 488 dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen cũng biến mất sau khi nhà nước giao rừng.

Ngoài ra, một số dự án mất rừng diện tích lớn khác như: dự án vườn hoa Măng Đen mất gần 8.700m2 rừng; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và trồng dược liệu dưới tán rừng mất gần 8.500m2 rừng;

Dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh, trồng dược liệu kết hợp du lịch sinh thái làm mất 5.400m2 rừng…

Buộc nộp phạt, trồng lại rừng

Sau khi phát hiện nhiều diện tích rừng bị mất, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông lập hồ sơ phân loại xử lý.

Đối với các dự án có dấu hiệu hình sự, cơ quan này lập thủ tục kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì xác định nhiều diện tích rừng bị mất trước khi có quyết định cho thuê rừng.

Thay vào đó, các doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính và buộc phải trồng lại rừng. Nhiều dự án không ra quyết định xử phạt hành chính do đã hết thời hiệu.

Về diện tích rừng bị mất, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông đang điều tra, xác minh đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định.

Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho hay qua kiểm tra xác minh có một số người tham gia phá rừng là người của doanh nghiệp tự chặt phá. Nhưng do diện tích tính trên một trường hợp không đủ để khởi tố vụ án nên cơ quan chức năng xử lý hành chính.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nam - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết tới nay cơ bản đã xử lý xong các trường hợp sai phạm. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nộp tiền xử phạt hành chính và triển khai biện pháp khắc phục, trồng lại rừng.

Theo ông Nam, qua xem xét có những dự án mất rừng nhưng doanh nghiệp không thuộc trường hợp cố tình phá rừng. Việc mất rừng chủ yếu diễn ra trong thời gian dịch COVID-19, các dự án không có người quản lý nên có thể người dân tranh thủ lấn chiếm.

Doanh nghiệp cũng thừa nhận có trách nhiệm trong việc này và một số doanh nghiệp bị phạt rất nặng, tới hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Nam, việc mất rừng có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như việc lập hồ sơ không cập nhật được biến động diện tích rừng trước khi cơ quan chức năng cho doanh nghiệp thuê.

Việc tư vấn, lập hồ sơ dự án không chặt chẽ, chưa xác định chính xác việc biến động rừng tại thời điểm giao rừng. Trong việc này ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm lâm.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Ngày nay, không những sống nhờ rừng, dân bản Ho Rum (xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) còn sống nhờ làm du lịch, lấy được cả tiền của khách Tây, dù chưa ai biết tiếng Anh.
1 tháng trước - Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.
1 tháng trước - Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.
1 tháng trước - Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.
1 tháng trước - Ho Rum, một bản làng hẻo lánh ở 'chút mút' xã Kim Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) với vô vàn khó khăn như rất nhiều bản làng khác dưới rặng Trường Sơn (không điện, không mạng viễn thông, không nước sạch...), nhưng bỗng một ngày lại được nhắc...
Xem tin bài khác
2 phút trước - Quảng Nam- 11 hộ với hơn 40 người dân ở xã biên giới xã Đắc Pre, huyện Nam Giang di dời khẩn cấp trong đêm 19/9 vì ngọn đồi sau khu dân cư xuất hiện vết nứt.
25 phút trước - Lực lượng chức năng đã tiến hành trục vớt nhịp cầu Phong Châu bị sập và xe đầu kéo bị chìm dưới sông Hồng sau 11 ngày xảy ra sự cố. Cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc tiến hành các công tác điều tra.
25 phút trước - Ngoài ra, nhiều cơ sở bị xử phạt do sử dụng người hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề.
25 phút trước - Sau 10 ngày bị lũ cuốn trôi, đến nay cầu phao Ninh Cường, cầu phao duy nhất trên quốc lộ ở miền Bắc, vẫn chưa thể hoạt động trở lại.
25 phút trước - Chuỗi sai phạm của bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Xuyên Việt Oil, gây thất thoát ngân sách hơn 1.463 tỉ đồng; nhưng đến nay tài khoản của bà này và công ty chỉ còn hơn 4 tỉ đồng.