ttth247.com

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa khỏi được không?

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể điều trị nhưng không thể khỏi hoàn toàn, đa số các trường hợp tử vong do đều xảy ra trong đợt cấp của bệnh.

BS Nguyễn Mạnh Cường, Viện Điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết COPD là một bệnh phổ biến trên thế giới, hơn 380 triệu người mắc bệnh. Đây cũng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 toàn cầu.

Bệnh COPD được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở, hoặc phế nang, thường gây nên bởi sự phơi nhiễm đáng kể với các hạt bụi, khí độc hại...

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh gồm cơ địa người bệnh và do tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào (gồm cả hút thụ động) có nguy cơ mắc COPD cao nhất, cao gấp 3,4 lần nhóm không hút thuốc đối với cả hai giới.

Một trong những yếu tố nguy cơ khác của COPD có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp, như công nhân luyện kim, xây dựng, dệt may và các lĩnh vực tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu trên 20 năm...

Khi nhận thấy triệu chứng ho, khó thở và khạc đờm kéo dài, nên đi khám sớm để đo chức năng hô hấp. Từ đó chẩn đoán xác định, đánh giá nguy cơ để được tư vấn điều trị duy trì chức năng phổi, không làm chức năng phổi suy giảm.

Bác sĩ Cường cho biết đây là một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể khỏi hoàn toàn. Đa số trường hợp tử vong do COPD đều xảy ra trong đợt cấp của bệnh. Đợt cấp COPD là một biến cố cấp tính đặc trưng bởi sự xấu đi của các triệu chứng hô hấp, khiến người bệnh phải nhập viện điều trị, tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh COPD, tăng tốc độ suy giảm chức năng phổi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Đối với những người mắc COPD, việc thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp là vô cùng quan trọng. Một số chiến lược giúp người bệnh chung sống hòa bình với COPD gồm: bỏ thuốc lá, thuốc lào; chú ý cải thiện môi trường sống, tránh để người bệnh tiếp xúc với khói bụi.

Sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD, điều trị duy trì tại nhà đóng vai trò hết sức quan trọng. Đơn thuốc bác sĩ kê cho người bệnh gồm uống hoặc thuốc hít, xịt. Các thuốc này bản chất là các thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài, có thể kết hợp với thành phần corticoid dạng phun hít hoặc không. Người bệnh cần duy trì đều đặn và đúng thao tác sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất, không tự ý thay đổi liều thuốc.

Khoảng 25-40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Vì vậy, người bệnh cần được bổ sung đầy đủ calo từ đạm, mỡ, chất đường bột nếu như không bị hạn chế do bệnh đồng mắc khác như suy thận, tăng huyết áp hay đái tháo đường.

Tăng cường ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin (đặc biệt vitamin E, vitamin C), khoáng chất từ rau củ quả đa màu sắc, đa chủng loại. Trường hợp người bệnh có khó thở thì nên chia nhỏ bữa ăn, tránh để dạ dày chèn ép cơ hoành.

Người bệnh cần được tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, tập thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe, nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng các hoạt động thể chất bằng các biện pháp như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, tập thở cơ hoành.

Tiêm phòng là biện pháp dự phòng quan trọng nhằm giảm nguy cơ mắc đợt cấp vì mắc cúm hoặc viêm đường hô hấp do phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây đợt cấp COPD. Vì vậy, người bệnh cần được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, vaccine phòng phế cầu khuẩn 5 năm một lần.

Lê Nga

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Bệnh viêm phổi, hen suyễn, xơ phổi gây viêm, hẹp đường thở, khiến người bệnh thường có triệu chứng thở khò khè, nhịp tim không đều.
1 tháng trước - Ho đờm màu trắng có thể là biểu hiện của hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp hay các bệnh như phù phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim.
2 tuần trước - Bệnh Whitmore lây từ vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi vi khuẩn ăn thịt người). Vi khuẩn này thường tồn tại trong đất và nước nên mùa mưa bão là môi trường rất thuận lợi để nó phát triển.
1 tháng trước - Người tuổi cao, nghiện thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
3 tuần trước - Người đàn ông mắc ung thư phổi cho biết trước đây mình vốn là một thanh niên khỏe mạnh. Từ trẻ anh đã có thói quen hút thuốc và chơi với nhóm bạn thường xuyên hút thuốc.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Thấy vẻ bề ngoài chưa ưng ý, hơn 3 năm nay, người phụ nữ ở Long Biên, Hà Nội đã chi số tiền lên đến tỷ đồng liên tục đi phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc hoàn hảo...
2 giờ trước - 'Chế độ ăn giàu đậu giúp giảm đến 24% nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung, 20% nguy cơ đột quỵ, 23% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
2 giờ trước - Bên cạnh chức năng đi lại, bàn chân còn cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe. Trong một số trường hợp, những thay đổi về hình dạng, màu sắc hay cảm giác ở bàn chân là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có bệnh tiềm ẩn.
2 giờ trước - Nghiên cứu quốc tế vừa được công bố trên tạp chí Antioxidants, đã phát hiện một hợp chất trong một số thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa bệnh Alzheimer và quan trọng hơn, giúp tăng tuổi thọ gần 19%.
2 giờ trước - Tuổi trung niên dễ bị tích tụ mỡ ở vùng bụng bởi sự thay đổi hormone, giảm quá trình trao đổi chất, lối sống và chế độ ăn hoặc stress.