ttth247.com

Cậu bé 5 năm 'ăn cơm theo kẻng' đỗ Học viện Biên phòng

"CHIẾN SĨ NHÍ" TRONG ĐỒN BIÊN PHÒNG Roòn

Những ngày này, ở Đồn biên phòng Roòn (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình), không khí hết sức vui vẻ với tin một thành viên của đồn thi đỗ Học viện Biên phòng. Càng vui khi đấy là "con nuôi" của đồn, em Nguyễn Anh Vũ.

Cậu bé 5 năm 'ăn cơm theo kẻng' đỗ Học viện Biên phòng- Ảnh 1.

Những ngày sống ở đồn biên phòng, Vũ thường xuyên vào bếp phụ giúp các "anh nuôi"

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Câu chuyện cuộc đời của cậu bé Vũ chỉ bắt đầu tươi sáng hơn kể từ khi được những "người lính quân hàm xanh" nhận làm con. Bởi trước đó, Vũ có quá nhiều thiệt thòi. Bố mẹ sớm chia tay, em sống cùng cố ngoại và bà ngoại già yếu. Không đủ cái ăn cái mặc, đến lớp 8 nhưng Vũ chỉ nặng vỏn vẹn 28 kg, sức khỏe kém.

"Nghe kể về hoàn cảnh của em, Ban chỉ huy đồn đã lập tức quyết định đưa em về, cho ăn học và ở lại ngay trong đồn, sinh hoạt như một chiến sĩ nhí. Ngày đầu về cũng tội nghiệp lắm, Vũ còi cọc hom hem, lại bị đau răng kinh niên. Chúng tôi vừa phải giao cho quân y chăm sóc đặc biệt, vừa giao cho Đội vận động quần chúng, Chi đoàn lo lắng kèm cặp riêng… Một năm sau khi sống ở đồn, Vũ đã tăng thêm 12 kg", thiếu tá Nguyễn Sơn Bình, Chính trị viên Đồn biên phòng Roòn, kể lại.

Tháng 11.2019, Vũ "nhập ngũ" rồi trải qua 5 năm sống, học tập trong Đồn biên phòng Roòn với phòng riêng, giường cá nhân. Được sống trong tình yêu thương, chăm sóc của những người bố đặc biệt, Vũ cũng phải chấp hành những quy định của một người lính. Sáng em thức dậy theo kẻng, các bữa ăn đều… theo kẻng. Chỉ riêng giờ ngủ, nghỉ ban đêm là Vũ được đặc cách không theo giờ giấc quân đội, vì còn phải học bài.

Vũ cho biết sau chút bỡ ngỡ ban đầu, em quen dần và cảm thấy thích nghi với môi trường quân đội vì biết mình luôn có sự hỗ trợ của các chú, các bác. "Ngày ngày em đến trường rồi về đồn. Hôm nào lớp có ngoại khóa hay sinh nhật bạn thì em xin phép các chú đi, miễn sao chuyện đi về phải đúng phép tắc, đúng giờ giấc của đơn vị", Vũ nói.

SẮP TRỞ THÀNH NGƯỜI LÍNH THỰC SỰ

Trong suốt 5 năm sống với các chú bộ đội biên phòng, ngoài năm lớp 10 điểm tổng kết chỉ đạt 7,9, những năm còn lại Vũ đều đạt học sinh giỏi, thậm chí còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi các cấp. Không dám nhận công lao, thiếu tá Bình cho biết: "Chúng tôi có thể giúp cháu trong các sinh hoạt còn việc học tập cháu phải tự thân. Chỉ là bất kỳ lúc nào có thời gian, chúng tôi đều động viên cháu cố gắng học tập để thay đổi hoàn cảnh bản thân, giúp đỡ bà ngoại về sau".

Cậu bé 5 năm 'ăn cơm theo kẻng' đỗ Học viện Biên phòng- Ảnh 2.

Vũ tranh thủ phụ giúp bà ngoại làm mắm trước ngày ra Hà Nội nhập học

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Điều làm thiếu tá Bình cũng như cán bộ, chiến sĩ trong Đồn biên phòng Roòn ấm lòng hơn hết là khi biết Vũ muốn làm lính biên phòng.

Cậu bé còi cọc năm xưa cho biết sống trong môi trường quân đội đủ lâu, đã quen dần và thần tượng chính những người lính biên phòng. Chính vì thế, em học tập ngày đêm, quyết tâm đỗ bằng được vào Học viện Biên phòng.

Cuối cùng, Vũ đã đạt được ước nguyện của mình. Thông tin về cậu bé nghèo đạt số điểm 25,4, đỗ vào Học viện Biên phòng làm cả đồn biên phòng và cả làng biển nơi đây vui lây. Vui nhất có lẽ là bà ngoại Lê Thị Tam (64 tuổi). Bà không ngờ đứa cháu tội nghiệp, tưởng không sống nổi vì quá còi cọc, không có sự chăm sóc của cha mẹ lại có được kết quả như hôm nay.

"May nhờ có đồn, cháu mới được nuôi nấng, giờ cháu trưởng thành và đậu được trường quân đội như rứa. Chứ một mình bà không nuôi được cháu như rứa mô. Có khi cháu đi theo bạn theo bè cũng chưa chắc cháu ngoan được như rứa. Bà không biết mấy cái mừng nữa. Bà cảm ơn chính quyền địa phương, cảm ơn cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã nuôi nấng, dìu dắt cháu trưởng thành đến ngày hôm nay…", bà Tam xúc động.

Những ngày cuối ở quê, chuẩn bị nhập học (ngày 5.9 tới), Vũ chạy qua chạy lại Đồn biên phòng Roòn và nhà bà ngoại để chào hỏi mọi người, sắp xếp tư trang. "Bản thân em từ bé đã muốn phụng sự bảo vệ Tổ quốc. Khi được các chú đón lên đồn, cháu rất ngưỡng mộ các chú, nên cháu muốn trở thành một người như các chú để bảo vệ quê hương của mình", Vũ tâm sự.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 ngày trước - Dân mê cơm tấm Sài Gòn nói rằng chén nước mắm ăn kèm là 'linh hồn' của một dĩa cơm tấm đúng điệu.
1 tuần trước - Hà Giang- Suốt 9 năm qua, vì là người có sức khỏe tốt nhất nhà, Cải Thị Tình, 41 tuổi, lần lượt phải đưa bố, anh trai, chị gái, chồng và con đi viện.
1 tháng trước - Tranh thủ ngày nắng hiếm hoi trước khi bão Yagi ập tới, anh lương y trẻ đeo gùi, lội suối băng rừng tìm hái từng chiếc lá quý hiếm vẫn nằm rải rác trên đỉnh núi Cham Chu (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).
1 tháng trước - Sau ba tháng, FPT Long Châu đã gây quỹ được hơn một tỷ đồng từ các đối tác và khách hàng, thông qua Quỹ Hy vọng tài trợ điều trị cho hơn 30 bệnh nhi.
1 tháng trước - Giữa đô thị lớn như TP.HCM, việc chăm sóc, bảo trợ cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật luôn được xem là phần việc quan trọng, bất kể đó là cơ sở của Nhà nước hay tư nhân.
Xem tin bài khác
4 phút trước - Bà Bạch Thị Liên (65 tuổi, TP HCM) đến VNVC tiêm vaccine cúm - thói quen bà duy trì nhiều năm nay, để tránh bệnh trở nặng khi tuổi cao, mắc bệnh nền.
49 phút trước - 20 giờ tối, trên đường đi làm về, chị Bích thấy một thai phụ chuyển dạ sinh con bên đường liền dừng lại giúp mẹ tròn con vuông.
58 phút trước - Mới đây, ảnh cưới của hiện tượng mạng “anh chăn bò” Sô Y Tiết đăng tải lên trang cá nhân thu hút về rất nhiều sự chú ý của netizen.
58 phút trước - Cãi nhau với bạn gái rồi phóng nhanh vượt ẩu, chàng trai cướp đi sinh mạng của một nhà 3 người, khiến dư luận phẫn nộ.
1 giờ trước - Italy- Tỉnh dậy sau vài ngày hôn mê vì tai nạn giao thông, ông Luciano d'Adamo, 63 tuổi, nghĩ mình mới 24, sắp cưới cô người yêu 19 tuổi.