ttth247.com

Dễ tử vong khi mắc viêm phổi do phế cầu

Toàn cầu ghi nhận 1,6 triệu người chết do bệnh từ phế cầu khuẩn mỗi năm, nguy cơ tử vong ở người lớn mắc viêm phổi phế cầu lên đến 10-20%.

"Dù thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn rất lớn", bác sĩ Eva Polverino, Trưởng Đơn vị Nghiên cứu về nhiễm trùng hô hấp, Bệnh viện Vall d’Hebron (Tây Ban Nha), nói tại hội nghị khoa học, ngày 22/8.

Bà Eva Polverino dẫn thống kê từ Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021, ghi nhận thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và 2,18 triệu ca tử vong. Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất, với khoảng 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 trường hợp tử vong. Riêng Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 18,2 trên 100.000 dân.

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân thường gặp gây các bệnh viêm phổi cộng đồng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới. Người lớn tuổi, trẻ em và người suy giảm miễn dịch là nhóm dễ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.

Ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cũng gây tỷ lệ tử vong cao - trung bình 10-20% ở người lớn bị viêm phổi do phế cầu khuẩn, con số cao hơn nhiều ở người có nhiều bệnh nền.

"Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn ở người lớn tăng lên theo tuổi và khi hiện diện một số bệnh đồng mắc", bà Eva Polverino nói. Bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu khuẩn và ngược lại viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể làm nặng thêm các tình trạng bệnh nền vốn có.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Dược TP HCM. Ảnh: Tường Vi

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Dược TP HCM. Ảnh: Tường Vi

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh phế cầu ở người trưởng thành bao gồm tuổi tác, đặc biệt là người trên 65 tuổi, miễn dịch suy yếu như người mắc bệnh HIV, ung thư huyết học, suy thận mạn, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, phổi mạn tính, đái tháo đường, gan mạn tính cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

"Hành vi lối sống như hút thuốc lá, nghiện rượu làm tăng nguy cơ hơn, bởi hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, còn nghiện rượu có thể làm suy giảm chức năng gan và hệ miễn dịch", phó giáo sư Dũng nói.

Tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu khuẩn cũng là một vấn đề toàn cầu, dẫn đến thất bại điều trị, tốn kém hơn. Gánh nặng tài chính do chi phí nhập viện và điều trị các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra không hề nhỏ, đặc biệt là các nước phát triển. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng dao động 15-23 triệu đồng, thời gian nằm viện trung bình 6-13 ngày.

Người lớn tuổi khám bệnh tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Người lớn tuổi khám bệnh tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Phó giáo sư Dũng khuyến cáo bên cạnh các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, hạn chế các đường lây truyền, nên dự phòng chủ động bằng vaccine.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Mắc bệnh nền, uống rượu bia, hút thuốc lá, miễn dịch suy giảm khiến phế cầu khuẩn xâm nhập cơ thể dễ dàng hơn.
1 tháng trước - Vi khuẩn phế cầu được xem là "sát thủ giấu mặt", gây nhiều bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, có thể dẫn đến các di chứng nghiêm trọng.
2 ngày trước - Con tôi 5 tuổi, tiêm đủ phác đồ phế cầu 10, có cần dùng thêm vaccine mới phế cầu 23 không, lịch thế nào? (Diễm My, 32 tuổi, Cần Thơ)
2 tuần trước - Phế cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh viêm phổi cộng đồng, đồng thời là nguyên nhân gây ra tỷ lệ các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất.
1 tháng trước - Trẻ chào đời cần tiêm ngay mũi ngừa lao, viêm gan B, sau đó hoàn thành lịch chủng ngừa phế cầu, thủy đậu trước khi tròn hai tuổi.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
5 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
5 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.