ttth247.com

Đời du cư - Bài 5: Đâu chỉ có nhu cầu sinh tồn...

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA TOÀN XÃ HỘI

Như đã phần nào khắc họa trong các kỳ trước của loạt phóng sự này, những mảnh đời du cư không phân biệt tuổi tác, giới tính, cứ lặng lẽ rong ruổi trong vòng xoáy mưu sinh. Họ là công nhân tại các khu công nghiệp, thợ xây dựng, người nhặt ve chai, bán hàng rong, bán vé số, tài xế xe ôm công nghệ… Thu nhập của họ dao động từ rất thấp đến trung bình, nghề nghiệp bấp bênh. Nhiều người lao động lâu năm vẫn chưa có chỗ ở ổn định; có những đứa trẻ không được làm giấy khai sinh và không thể đến trường…

Đời du cư - Bài 5: Đâu chỉ có nhu cầu sinh tồn...- Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM)

Ảnh: NVCC

Phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí thuê nhà với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn. Do đó, họ chấp nhận "sống tạm", "mua ngủ" tại các quán cà phê, lang thang trên vỉa hè hoặc tạm trú trong các lán trại chật chội, cũ kỹ và thiếu an toàn, thiếu vệ sinh...

Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho thấy năm 2023, thành phố có gần 9,5 triệu dân, trong đó lực lượng lao động chiếm 51,2% (hơn 4,8 triệu người); lao động đang làm việc là hơn 4,6 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo khoảng 87,6%; tỷ lệ thất nghiệp 3,9%.

Theo khảo sát bình quân hằng năm của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH) tại 2.000 doanh nghiệp, có khoảng 67% doanh nghiệp có sử dụng lao động từ tỉnh và tỷ lệ lao động tỉnh chiếm khoảng 51%.

Chia sẻ với Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM) nói thực trạng không có nơi ở ổn định và thường xuyên thay đổi môi trường sống có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm lý của dân du cư.

Ngoài ra, họ có thể dễ dàng rơi vào các tệ nạn xã hội. Môi trường sống không an toàn cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con cái những gia đình du cư, đặc biệt trong khía cạnh giáo dục. Về mặt đô thị, bà Vui lo ngại tình trạng này sẽ làm mất mỹ quan, khiến bộ mặt TP.HCM trở nên nhếch nhác.

Đời du cư - Bài 5: Đâu chỉ có nhu cầu sinh tồn...- Ảnh 2.

Công nhân “sống tạm” trong các lán trại bên cạnh công trường xây dựng

Ảnh: Uyển Nhi

"Gặp những người sống lang thang, du cư, tôi cảm thấy rất xót xa... Theo tháp Maslow (lý thuyết tâm lý học do Abraham Maslow đưa ra năm 1943 mô tả 5 cấp độ nhu cầu của con người, từ cơ bản đến cao cấp, theo dạng hình tháp), nhu cầu an toàn đứng thứ hai, chỉ sau nhu cầu sinh tồn (ăn uống, ngủ nghỉ...). Khi một người không thể đảm bảo sự an toàn về nơi ở thì tâm lý, tính cách, sức khỏe tinh thần của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui cho hay.

Để giải quyết vấn đề này, theo bà, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ các cơ quan chức năng cho đến những người làm công tác xã hội và các nhà hảo tâm.

MỞ HƯỚNG CHO DÂN DU CƯ

Trong những ngày tìm hiểu cuộc sống của người lao động du cư tại "xóm thợ hồ" (P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức), chúng tôi nhận thấy con cái của họ đa số gửi về quê nhờ người thân chăm sóc, hoặc bỏ học theo cha mẹ lên thành phố mưu sinh. Những đứa trẻ ở đây hầu hết đều tự lập và già dặn hơn so với lứa tuổi của mình.

Đời du cư - Bài 5: Đâu chỉ có nhu cầu sinh tồn...- Ảnh 3.

Lin bỏ học từ năm lớp 7 và theo cha mẹ lên TP.HCM mưu sinh

Đều bỏ học từ năm lớp 7, hai chị em Kim Thị Xin (18 tuổi) và Kim Thị Lin (15 tuổi, quê ở H.Trà Cú, Trà Vinh) theo cha mẹ lên TP.HCM làm phụ hồ và "định cư" ở lán trại tạm bợ.

Lin nghẹn ngào: "Hồi xưa cha mẹ lên thành phố làm thợ hồ, rồi chị em lên theo. Em ở quê nhớ cha mẹ quá, ngay đợt dịch Covid-19 là em nghỉ học hẳn. Còn nhỏ, ở quê không ai nhận vào làm nên em đành theo chị lên thành phố. Ước mơ duy nhất của em là gia đình có sức khỏe, có được ngôi nhà để cha mẹ bớt khổ. Nhưng lương của em được ba cọc ba đồng, em biết lấy gì mà lo cho ước mơ đó?".

Bà Kim Thị Oanh Thi (mẹ của Lin và Xin) quay đi, cố tránh ánh mắt của con rồi thủ thỉ với chúng tôi: "Nếu quay trở về ngày trước, ước chi chị động viên 2 đứa nhỏ nhà chị đi học, nếu chúng nó được học hành tới nơi tới chốn thì tương lai bớt khổ".

Đời du cư - Bài 5: Đâu chỉ có nhu cầu sinh tồn...- Ảnh 4.

Sau giờ tan ca, công nhân tranh thủ hái rau nấu ăn để tiết kiệm tiền

Tôi và bà Thi tâm sự với nhau đủ thứ chuyện. Bà Thi bảo lăn lộn kiếm từng đồng bạc như thế này không khiến bà khổ tâm bằng việc phải cho con thôi học sớm; rồi nhìn tương lai của con làm phụ hồ khổ cực giống bà thời còn trẻ. Bà Thi nói cuộc đời mỗi người chẳng ai muốn lang bạt, không có chỗ an cư ổn định. Nhưng vì gia đình, bà phải gắng làm, "làm đến khi nào hết nổi thì thôi".

Những người du cư mà chúng tôi gặp đều chung một giấc mơ giản dị là thoát khỏi cảnh đói nghèo. Họ ước được trở về quê nhà, quây quần bên gia đình và từ bỏ cuộc sống rày đây mai đó sau nhiều năm làm ăn xa xứ. Thế nhưng, ai cũng hiểu ước mơ đó vẫn còn xa vời…

Thị trường lao động TP.HCM đã thu hút nhiều người từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống và làm việc. Theo đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đối với người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức (không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội - BHXH bắt buộc), người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện, được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập và nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện.

Từ đó, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi cao nhất như: hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe, người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may qua đời. Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, mức 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển cho công nhân, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay: "Sở đang phối hợp với Liên đoàn Lao động TP.HCM và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho người lao động, đoàn viên công đoàn và con của người lao động đang làm việc trên địa bàn TP.HCM".

Những năm gần đây, giá nhà đất và thuê nhà ở TP.HCM tăng mạnh, khiến công nhân và lao động tự do ngày càng khó tìm chỗ ở hợp túi tiền. Nhiều người chọn cách chấp nhận cảnh sống du cư trên khắp địa bàn thành phố để tiết kiệm tiền thuê nhà.

"Ước có cuộc sống ổn định, đời con cái khấm khá hơn" là điều canh cánh trong lòng những người con xa xứ. Thấu hiểu điều này, chính quyền TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới với hàng loạt giải pháp như: tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến kịp thời giải quyết việc làm cho người lao động...

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 ngày trước - Những người thợ hồ rời quê lên TP.HCM để mưu sinh, nuôi dưỡng giấc mơ về tương lai tốt đẹp, khấm khá hơn cho con cái. Cuộc sống vất vả của họ gắn liền với lán, trại và nắng mưa...
2 ngày trước - Tại TP.HCM, những tòa nhà cao ốc mọc lên ngày càng nhiều. Phía sau một số công trình này là những lán trại nhếch nhác, tạm bợ và cuộc sống mưu sinh vất vả của những công nhân xây dựng công trình.
4 ngày trước - Ở TP.HCM, chốn thị thành phồn hoa, có những con người vì hoàn cảnh mưu sinh nên chọn cuộc sống du cư, lấy vỉa hè làm nhà và cánh võng dưới tán cây phượng làm chốn dừng chân mỗi đêm.
1 tháng trước - Sau thiệt hại khủng khiếp do mùa nước lũ lịch sử năm 2000, năm 2001 một chương trình nhân văn với tên gọi 'Chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ' chính thức được Chính phủ cho ra đời đã giúp cho hơn trăm ngàn hộ dân có 'mảnh đất cắm dùi'.
2 tuần trước - Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng tại Phú Yên.
Xem tin bài khác
15 phút trước - Từ ngày 21-23/10, Quỹ Hy vọng trao gần 2 tỷ đồng tài trợ cho 8 trường ở ba huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, giúp tái thiết sau do bão Yagi.
15 phút trước - Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù như ưu tiên nhà thầu chuyển giao công nghệ, khai thác quỹ đất, giảm thủ tục khai thác mỏ vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án.
15 phút trước - Được bảo vệ bởi cống, kè, âu thuyền hàng nghìn tỷ đồng, nhưng do đầu tư thiếu đồng bộ, hệ thống thoát nước xây từ nhiều năm trước, khu vực bến Ninh Kiều ngập gần một mét.
37 phút trước - Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá xanh ở chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) được đánh giá là cổ vật đặc biệt quý hiếm mà cổ nhân để lại cho hậu thế, đã bị vỡ hỏng một số chi tiết và có dấu hiệu biến dạng sau vụ hỏa...
1 giờ trước - TP HCM- Đám cháy bùng lên tại cửa hàng trong nhà lồng chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, nhiều người tìm cách thoát thân, tối 24/10.