ttth247.com

Gỡ 'điểm nghẽn' nào để Cần Thơ bứt phá?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Hiểu - phó bí thư thường trực Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ - đã nhìn nhận những "điểm nghẽn" khiến thành phố phát triển chưa như kỳ vọng, và gợi mở một số giải pháp trong thời gian tới.

Vì sao thành phố "chuyển động chậm"?

* Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, có đại biểu cho rằng Cần Thơ đang lãng phí "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khi được trung ương cho rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhưng 3 năm rồi thành phố chưa có sản phẩm cụ thể. Ông chia sẻ gì về ý kiến này và đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Thành phố Cần Thơ có nhiều cơ hội, lợi thế và điều kiện thuận lợi, như vị trí địa lý là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có sân bay, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giáo dục, y tế phát triển mạnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, thành phố được trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. 

Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố chưa tận dụng, phát huy hiệu quả, đúng mức các tiềm năng, lợi thế như mong muốn, do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Giao thông đường bộ kết nối giữa TP Cần Thơ đi các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ còn hạn chế, chủ yếu đi theo quốc lộ 1 và quốc lộ 91. 

Hệ thống giao thông thủy, bến cảng còn hạn chế, chưa đáp ứng được tàu có trọng tải lớn ra vào và bốc dỡ hàng hóa. Do đó, cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như việc kêu gọi đầu tư vào thành phố.

Thứ hai, nguồn lực của thành phố còn hạn chế, sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đang dần phục hồi và phát triển, tuy nhiên việc phục hồi kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực còn chậm, không đồng đều. 

Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh… phần nào cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của thành phố. 

Thời gian qua, mỗi năm thu ngân sách của thành phố chỉ đạt khoảng 11.000 tỉ đồng, trong khi nhu cầu về vốn để đầu tư phát triển cần khoảng 37.000 tỉ đồng.

Thứ ba, thành phố còn thiếu quỹ đất sạch thực hiện các dự án, nhất là các dự án đòi hỏi có diện tích sử dụng đất lớn, như các khu công nghiệp, khu đô thị… Do đó, thành phố cũng chưa kêu gọi, thu hút được các dự án đầu tư có quy mô lớn.

Thứ tư, thành phố còn thiếu hệ thống kho bãi, logistics có quy mô lớn để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng có quy mô lớn; chưa có hệ thống dịch vụ về lưu trú, vui chơi, giải trí cao cấp để phục vụ nhu cầu của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến làm việc, kinh doanh, lao động tại thành phố…

Thứ năm, nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao còn thiếu; một số ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao…

* Cơ chế, chính sách liên quan tới chi thu nhập tăng thêm cho công chức viên chức và chính sách về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để thành phố có nguồn đầu tư các dự án cấp bách được xem là trong thẩm quyền của thành phố có thể làm nhanh, nhưng vẫn chưa hình thành sản phẩm cuối cùng như ông nói?

- Chính sách thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý, để thực hiện được thì đòi hỏi thành phố phải tự cân đối ngân sách và đảm bảo các điều kiện khác có liên quan. Nhưng hiện nay thành phố chưa tự cân đối được ngân sách, nên chưa đủ điều kiện thực hiện.

Còn cơ chế vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, UBND thành phố đã ban hành đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Cần Thơ năm 2024. 

Tuy nhiên, thành phố đang giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện đề án này theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Làm gì khi cán bộ đùn đẩy, ngại khó?

* Nhiều chuyên gia cho rằng việc thành phố Cần Thơ triển khai các cơ chế đặc thù của trung ương vừa qua chậm là do năng lực thực thi của cán bộ, có biểu hiện sợ sai, ngại khó. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này và sắp tới sẽ chỉ đạo khắc phục ra sao?

- Việc triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù theo tinh thần nghị quyết 45 chậm hoặc chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách đã được Quốc hội thông qua. 

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã xác định do một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, "sợ trách nhiệm", không dám làm, đùn đẩy, né tránh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng khi phát sinh khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phát huy vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh, có tâm huyết, khát vọng phát triển, tính nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ nhận thức "làm ít sai ít, không làm thì không sai", nhất là đối với vai trò của người đứng đầu.

Đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

* Các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng vai trò là trung tâm vùng, với nhiều cơ chế chính sách đặc thù, Cần Thơ sẽ có đột phá, tạo sự lan tỏa cho cả vùng. Thành phố sẽ có những sự điều chỉnh gì sau khi sơ kết việc thực hiện nghị quyết số 45 của Quốc hội, thưa ông?

- Trước mắt, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban chỉ đạo thành phố Cần Thơ sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nội dung theo nghị quyết 45. Sau khi thành phố tiến hành sơ kết, đánh giá ba năm thực hiện nghị quyết này. 

Trên cơ sở đánh giá những mặt làm được, chưa được, cũng như nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, thành phố sẽ kiến nghị trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách mới, đột phá, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới. 

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tuần trước - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý 11 giải pháp để đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL phát triển bứt phá.
6 ngày trước - Sáng 16-10 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
2 tuần trước - Hàng ngàn hộ dân ở xã Nghi Ân (TP.Vinh, Nghệ An) mỏi mòn chờ nước máy từ nhiều năm qua. Dự án hệ thống đường ống hơn 30 tỉ đồng đã hoàn thiện từ đầu năm nay, nhưng nước máy vẫn chỉ ở… ngoài ngõ.
1 tháng trước - Nói ngay, tôi chỉ ở làng Nhị Quý khoảng 6 tháng, nhưng những kỷ niệm ở làng trồng nhãn này thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) thì tôi nhớ mãi.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Sáng 23-10, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự triển lãm chuyên đề 'Nhật báo Quốc hội'.
7 phút trước - Nhiều người chủ quan cho rằng tình trạng bong gân cổ chân có thể tự lành, thế nhưng nhiều biến chứng nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
7 phút trước - Thừa Thiên Huế đang triển khai các lực lượng tại chỗ cắt tỉa cây xanh đô thị, gia cố bờ biển bị sạt lở để ứng phó bão Trami, dù cơn bão này chưa vào Biển Đông.
16 phút trước - Bị cáo Đoàn Văn Thanh, cựu đại tá, Trưởng công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
22 phút trước - Tận dụng phế phẩm trái cây làm phân hữu cơ, than đước; khai thác giá trị đa tầng của cây tre, cỏ bàng là những dự án đầu tiên tham dự Sáng kiến Mekong 2024.