ttth247.com

Học sinh giỏi tỉnh sống với bà trong 'xóm rất nghèo', ngày làm thêm 2 ca kiếm tiền vào đại học

Những ngày hè của nữ sinh Lê Thị Anh Thư (ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) dày đặc lịch làm thêm sáng rồi chiều. Cô gái cũng vừa nhận kết quả trúng tuyển ngành khai thác vận tải, Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.

Sống với bà trong xóm nghèo san sát

Thư sống cùng bà nội trong căn nhà ở hẻm Nguyễn Du, thành phố Long Xuyên, nơi mà bà con địa phương hay gọi là "khu ổ chuột" của thành phố. Từng từng lớp lớp nhà san sát nhau không đầu không cuối, chỉ có một lối đi duy nhất chiều ngang vừa đủ một người đi bộ.

Từ đường Nguyễn Du, đi vào hẻm khoảng 30m rẽ phải, đi thêm 20m tiếp tục rẽ phải, lối đi hẹp dần trên những tấm đan chiều ngang 0,8m, đi thêm khoảng 50m dần về hướng mé sông có một cánh cửa nhỏ dẫn vào nhà Thư.

Căn nhà tạm bợ hướng mặt tiền ra sông Long Xuyên, ngồi dưới mái hiên có thể thấy được cầu Duy Tân và những tòa nhà cao tầng trong thành phố. Không khí bí bách trong ngõ hẻm dần tan đi, từng luồng gió mát ngoài sông ùa vào xua tan cái nóng hầm hập giữa trưa hè.

Thư nói mái hiên này là nơi ngày ngày cô ngồi đọc sách, nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cuộc sống. Mái hiên này còn là nơi lý tưởng nhất của căn nhà giúp cô nhìn rõ bầu trời tươi đẹp ngoài kia, dẫu còn đó nhiều chông chênh. Và điều quý giá nhất đối với cô lúc này chính là còn bà nội bên cạnh.

Bà Lê Thị Huệ (72 tuổi, hàng xóm hay gọi bằng bà Tư) đôi mắt cương nghị, gương mặt rám nắng, hằn sâu vết thời gian. Gia đình bà định cư ở bờ sông Long Xuyên này từ năm 1968. Trải qua bao lần đổi thay, bao lần dòng nước lũ xô đẩy, may mắn cả nhà vẫn trụ vững dưới mé sông.

"Mỗi năm vào mùa mưa lũ, nước ngập đến đầu gối, việc ăn uống sinh hoạt dời lên giường, kê lên bàn, lay lắt cũng qua. Mấy năm nay đỡ hơn, nước chỉ ngập khi có mưa lớn rồi rút nhanh. Nhà thủng dột vài chỗ, may còn chỗ ngủ được êm ấm", bà Huệ kể với chương trình Tiếp sức đến trường.

Nhà ngập, đợi rút hết nước, Thư lau dọn bùn, sắp xếp lại đồ đạc. Mưa xuống, nhà dột ở đâu, che ở đó. Gương mặt bà Tư Huệ với đôi mắt đầy ưu tư. "Bà già rồi, tới đâu hay tới đó. Bà thương cháu nhưng không biết làm sao. Ngày bà lãnh 60 tờ vé số ra cầu Duy Tân ngồi bán từ 19h - 21h. Có khi ế thì sáng hôm sau đi quanh xóm bán cho hết mới có được 60.000 đồng mua cá ăn cơm", bà Tư nói.

Bà Tư kể hồi nhỏ bà học được lớp 5 - là lớp 1 bây giờ, rồi tới lớp 4 phải nghỉ, thành ra bà mong cháu được học tới nơi tới chốn cho cuộc đời khỏe hơn. Nếu bây giờ nghỉ học, phải buôn gánh bán bưng khổ lắm.

Học sinh giỏi tỉnh, đội tuyển thi quốc gia của An Giang

Thiếu thốn tình cảm gia đình và khó khăn trong cuộc sống không khuất phục được ý chí mạnh mẽ của cô gái nhỏ. Vì đối với Thư, khoảng thời gian khó khăn nhất cô cũng đã từng vượt qua được.

Đó là sau kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, sau thời gian ròng rã suốt một tháng ôn tập ở thư viện trường, được miễn học các môn trên lớp, Thư bị mất kiến thức một số môn. Sau đó cô phải cố gắng gấp nhiều lần mới bắt kịp và duy trì hạng nhất lớp cuối năm học.

"Nhiệt huyết của giai đoạn đó chính là không cúi đầu trước thất bại, mặc cho những lần thất bại đầy nước mắt. Và vì chúng ta còn sống nên vô vàn những điều tốt đẹp đang chờ chúng ta phía trước, cứ đi rồi sẽ đến" - Anh Thư đúc kết như vậy khi kết quả cuối năm lớp 12 giúp cô được bình chọn là học sinh danh dự toàn trường.

Ngoài ra, cô còn là học sinh giỏi nhất lớp ba năm liền, giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý.

Có lẽ đối với cô gái nhỏ này, không có tác động ngoại cảnh nào bào mòn được ý chí học tập và ước mơ đổi đời nhờ con chữ. Hỏi về dự tính cho đường vào giảng đường, Thư cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng.

"Gia đình luôn là động lực tiếp sức cho mình trong học tập, đi làm thêm, vượt lên khó khăn hy vọng mai mốt có thể lo cho em gái mình được đi học đến nơi đến chốn. Mình sẽ xin học bổng, nếu không được sẽ tìm cách vay ngân hàng chính sách dành cho sinh viên", Thư nói.

Làm thêm hai ca mỗi ngày để có tiền đi học

Khi dịch COVID-19 qua đi, quán cà phê - sinh kế duy nhất của gia đình phải đóng cửa vì thua lỗ. Ba Thư rời quê đi phụ hồ ngoài Côn Đảo. Còn mẹ Thư đi Phú Quốc biền biệt mấy năm chưa về. Cảnh nhà ly tán, suốt từng ấy năm qua, khó khăn chưa một ngày ngưng đeo bám.

Xa mẹ từ khi mới 10 tuổi, ba và em gái cũng tứ tán khi Thư vừa vào cấp ba. Bà nội là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Mỗi khi kiệt sức Thư thường về nhà nằm bên cạnh bà, chỉ một khoảng lặng và hơi ấm bà truyền cho giúp cô mạnh mẽ hơn.

Hiện Thư đi làm thêm hai ca ở quán cà phê và quán ăn, mỗi tuần kiếm được 800.000 đồng. Sau gần 2 tháng nghỉ hè, cô khoe mình đã có gần 3 triệu đồng để trang trải việc học sắp tới.

"Lên đại học, mình vẫn sẽ đi làm thêm, nhưng việc học mới là chính. Nếu không học tốt thì coi như uổng phí hết", Thư khẳng định như thế.

Mong mỏi nhất lúc này của Thư là dành dụm đủ tiền mua vé tàu xe cho cả hai bà cháu đến Côn Đảo thăm ba và em gái. Đã hơn 3 năm Thư xa ba và em, khoảng 7-8 năm xa mẹ, gia đình chưa một lần đoàn viên.

"Chờ khi ổn định việc học, mình đi làm thêm có tiền sẽ đưa bà nội đi tàu ra đảo thăm ba và em", Thư nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Trời chập tối, khi nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm thì mẹ con Phương lại đội chiếc đèn pin tất tả ra đồng làng bắt ếch. 'Giờ này lũ ếch ra đi ăn đêm, mẹ con tranh thủ đi kiếm mấy con đem bán, kiếm ít đồng', mẹ của Phương động viên con.
2 tuần trước - Ngọc Ngân, 18 tuổi, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre, gửi thư ứng tuyển học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã viết những lời tha thiết: “May mắn không tự nhiên rơi xuống, nên em muốn tự tạo ra may mắn để cứu cuộc đời mình”.
1 tháng trước - Hai cậu học trò ở Quảng Nam mồ côi cha từ sớm, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua nghịch cảnh để đặt chân đến giảng đường - đó là những tân sinh viên chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ đã gặp gỡ.
3 ngày trước - Trong hàng ngàn hồ sơ ứng cử học bổng Tiếp sức đến trường gửi đến báo Tuổi Trẻ, rất nhiều tân sinh viên với hoàn cảnh gia đình khó khăn đậu vào ngành y, điểm chung ở họ là một giấc mơ lớn lao và quyết tâm vượt gian khó chờ đợi ở phía trước.
2 tuần trước - Sinh ra chỉ có mẹ, chưa một lần được nhìn thấy cha, lớn lên nhờ túi cá, bao ve chai của ngoại, đến trường bằng sự bao dung của cộng đồng... là cuộc đời đầy nỗ lực của tân sinh viên Lê Thị Liên.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Nữ sinh khoa Giáo dục mầm non trường Đại học Vinh cũng vừa giành được danh hiệu lớn tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024.
9 phút trước - Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thanh niên Thừa Thiên-Huế đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…
9 phút trước - Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2011, đến nay anh Kiều Sĩ Nguyên (33 tuổi), thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (TP.Hà Nội), đã có 57 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người.
51 phút trước - Nhiều đoạn suối vách đá dựng đứng, các chiến sĩ công an, quân đội... tay không bám đá, vượt dòng suối dữ, tìm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi cuốn hơn 30 người xuống suối ở Cao Bằng.
51 phút trước - Rạng sáng 19-9, đội hình tình nguyện khắc phục hậu quả bão Yagi của tuổi trẻ TP.HCM xuất quân đến các tỉnh phía Bắc.