ttth247.com

Sở Y tế TP HCM đề xuất công bố dịch sởi

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng đề xuất UBND thành phố công bố dịch sởi, triển khai chiến dịch tiêm vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ cao như trẻ mắc bệnh nền.

"Trong khi chờ đợi UBND bàn kế hoạch công bố dịch, ngành y tế tập trung tăng miễn dịch cộng đồng để giảm số ca mắc và bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao để giảm tử vong", ông Thượng nói tại họp trực tuyến bàn giải pháp phòng chống bệnh sởi trên địa bàn TP HCM, chiều 12/8.

Sở Y tế đề xuất như trên trong bối cảnh từ ngày 23/5 đến nay, các bệnh viện ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện 346 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh thành khác đến thành phố khám và điều trị. Trong một tháng qua, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng.

Bộ Y tế quy định tất cả trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Do đó, TP HCM ghi nhận "ca phát ban nghi sởi" - tức chưa xét nghiệm và "ca sởi" - đã xét nghiệm dương tính.

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu giải thích phát ban thường do nhiều loại virus khác nhau, trong đó có sởi. Việc giám sát ca phát ban là để lấy mẫu xét nhiệm tìm sởi. "Xét nghiệm chủ yếu để đánh giá dịch, không phải để chẩn đoán điều trị cá thể:, ông Châu nói, thêm rằng trong các năm trước, xét nghiệm các ca nghi sởi đều âm tính, tức phát ban do virus khác.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận hiện 57 phường xã ở 16 quận huyện xuất hiện bệnh sởi. Trong số bệnh nhân có 25% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, đa số dưới 5 tuổi. 84% bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi và 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Bệnh sởi được xếp vào bệnh nguy hiểm nhóm B, tức nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 20/11/2023, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ hai xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được coi là có dịch khi có từ hai huyện có dịch trở lên.

Ông Thượng cho hay địa phương công bố dịch nhằm triển khai các biện pháp chủ động phòng chống, mua sắm thuốc bao gồm vaccine, sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Đây cũng là cơ sở để tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh không kể tiền sử tiêm chủng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên toàn thành phố.

Người đứng đầu ngành y tế TP HCM yêu cầu Thanh tra Sở truy tìm, phát hiện những trường hợp anti-vaccine (chống vaccine) để xử lý nghiêm. "Vaccine sởi đã thể hiện rõ hiệu quả phòng ngừa trên toàn thế giới hàng chục năm qua, người nào tuyên truyền sai lệch phải bị xử lý", ông Thượng nói.

Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 12/8. Ảnh: Lê Phương

Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 12/8. Ảnh: Lê Phương

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Biểu hiện là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc sởi.

Hiện, sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng.

Mọi người đều có thể mắc bệnh này, song chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi. Khi đó, trẻ trở thành "cầu nối" lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ hai mũi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với hai liều vaccine, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.

Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Bộ Y tế quy định tất cả trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Sởi lây dữ dội hơn Covid nhưng có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc đông người.
1 tháng trước - Bộ Y tế đề nghị TP HCM khẩn trương chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch sởi trước bối cảnh bệnh diễn biến phức tạp.
3 tuần trước - UBND TP HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi trên địa bàn nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine trong bối cảnh ca sởi tăng nhanh, ba trẻ tử vong.
1 tháng trước - TP HCM- Bé Trâm Anh, 10 tháng tuổi, nổi ban lấm tấm khắp người sau hai ngày ho, sốt, sổ mũi, vào viện khó thở, được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ thở oxy.
1 tháng trước - Trung bình một ca bệnh sởi lây cho 12-18 người trong khi mắc Covid-19 chỉ lây 2-5 người, may mắn sởi đã có vaccine từ lâu.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.