ttth247.com

Cô gái 22 tuổi mãn kinh

Hà NộiSau khi mất kinh nguyệt ba năm, cô gái 22 tuổi được bác sĩ phát hiện bị mãn kinh hoàn toàn, không còn thiên chức làm mẹ, là trường hợp hiếm gặp.

Ngày 14/8, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết đây là trường hợp bệnh nhân mãn kinh trẻ nhất ông từng tiếp nhận. Nghĩ việc mất kinh là do rối loạn bình thường, cô gái không đi khám. Đến khi lập gia đình, bệnh nhân khó có con nên đến viện.

Kết quả khám và siêu âm cho thấy hai buồng trứng ngưng sản xuất trứng cũng như các hormone nội tiết khác. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mãn kinh hoàn toàn, không còn thiên chức làm mẹ, nếu muốn có con phải xin trứng, sau đó làm các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

"Tuổi sinh học của cô gái chỉ 22 nhưng tuổi buồng trứng không khác gì chị em mãn kinh ở tuổi 50", bác sĩ cho hay. Không chỉ mất thiên chức làm mẹ, sức khỏe nói chung và đời sống tình dục của bệnh nhân sau này đều rất khó khăn. Hiện chưa rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Mãn kinh là quá trình tự nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ 45-55 tuổi, trường hợp mãn kinh ở tuổi 22 là rất hiếm gặp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,1-0,5%.

Nhiều nguyên nhân gây mãn kinh sớm bao gồm yếu tố gene di truyền, đột biến nhiễm sắc thể. Phụ nữ bị thiếu hoặc rối loạn nhiễm sắc thể như thiếu hụt 17-alpha-hydroxylase, galactosemia, hội chứng Digeorge, mất đoạn nhiễm sắc thể... thường mãn kinh sớm hơn.

Tình trạng này cũng thường xảy ra ở nữ giới mắc hội chứng Turner, mất một phần hoặc hoàn toàn nhiễm sắc thể X, trisomy 18 và 14, buồng trứng không hình thành bình thường từ trong bụng mẹ...

Mãn kinh sớm cũng có thể do yếu tố bệnh lý. Đơn cử, bệnh nhân ung thư cần điều trị hóa chất, xạ trị, ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây mãn kinh, hoặc người bị u buồng trứng phải cắt bỏ, gọi là mãn kinh sau phẫu thuật. Lối sống thiếu khoa học, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá... góp phần gây nên tình trạng trên.

Mãn kinh sớm không chỉ làm mất thiên chức làm mẹ, mà còn gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe kéo dài, nổi bật là bốc hỏa và rối loạn giấc ngủ, đau mỏi xương khớp, sa sút trí nhớ, sức khỏe tình dục suy giảm.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân thấy kinh nguyệt không đều nên đi khám sớm, bởi có thể là triệu chứng của tình trạng rối loạn rụng trứng hoặc đa nang, suy giảm buồng trứng, nguy cơ mãn kinh sớm. Bên cạnh đó, nên ăn uống khoa học kết hợp lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, quan hệ tình dục thường xuyên, tập thể dục đều đặn.

Thúy Quỳnh

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Hà Nội- Vợ chồng chị Liên, 35 tuổi, sinh con đầu dị tật, con thứ hai phải bỏ ở tuần thai 28 do các bé mắc bệnh di truyền hiếm gặp.
1 tháng trước - Nam Định- Cô gái 26 tuổi đột nhiên yếu tê bì hai chân, tưởng do tập thể dục quá sức nên không đi khám, hai tuần sau bệnh nặng hơn.
3 tuần trước - Với sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện giải pháp chia một lá gan từ người hiến để ghép cứu sống 2 người bệnh.
2 tuần trước - TP HCM- Chị Yến, 43 tuổi, tê yếu hai chân, sức cơ giảm hơn 70% do khối thoát vị đĩa đệm vỡ chèn ép các rễ dây thần kinh.
1 tháng trước - TP HCM- Khám cho người đàn ông có khối u dưới hàm to như "cái đầu thứ hai", bác sĩ Tú Dung từ chối mổ nhưng trăn trở không yên, hai ngày sau gọi bệnh nhân quay lại.
Xem tin bài khác
21 phút trước - Nghệ An- Sau khi ăn viên kẹo dẻo tại nhà, bé gái hai tuổi ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu bị ngạt thở, tử vong trên đường chuyển viện, chiều 19/9.
21 phút trước - TP HCM- Văn Nam, (30 tuổi, quận Bình Thạnh), trở thành người quen của trung tâm tiêm chủng vì vài tháng tiêm phòng dại một lần.
21 phút trước - Quảng Ninh- Bệnh nhân nam 34 tuổi đột ngột đau ngực trái, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, nguy kịch, nguyên nhân có thể là nghiện thuốc lá.
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
5 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.