ttth247.com

Đường tới giảng đường của cô bé từng sống dưới gầm cầu

Quảng Nam12 năm qua, khoảnh khắc ám ảnh nhất của Huệ An là ngồi nhìn mẹ lăn lộn với những cơn đau trên chiếc chiếu rách dưới gầm cầu, ven sông Sài Gòn.

Thời điểm đó, Phan Thị Huệ An, quê xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam mới ba tuổi. Cô bé từng phải sống trong cô nhi viện hơn một năm bởi mẹ điều trị ung thư trong bệnh viện. An tưởng lần này sẽ mất mẹ thật.

Nhưng đêm đó hai mẹ con được người qua đường cứu. Họ cho cô bé ăn sau cả ngày không có gì bỏ bụng và đưa bà Phan Thị Lẹ (mẹ An) đi cấp cứu.

Huệ An trong buổi chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp lớp 12 trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tháng 4/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huệ An trong buổi chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp lớp 12 trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tháng 4/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huệ An mất cha từ năm 2005, khi 9 tháng tuổi. Để mưu sinh giữa Sài Gòn, bà Lẹ đi bán vé số. Vốn nhiều bệnh, sức khỏe yếu nên kiếm được đồng nào bà phải chi thuốc thang hết. Khi tiền cạn người mẹ đành đưa con rời nhà trọ, sống dưới gầm cầu sông Sài Gòn. Ngày đầu họ tới đây cũng là ngày Huệ An tròn một tuổi.

Sống tạm bợ dưới gầm cầu được nửa năm thì bà Lẹ phát hiện bị ung thư vú. Bác sĩ yêu cầu nhập viện, bà nuốt nước mắt gửi con vào cô nhi viện "để con bé không chết đói".

Con gái hơn hai tuổi người mẹ mới ra viện, tiếp tục bám trụ gầm cầu. Điều kiện sống quá tồi tàn nên bệnh tim bẩm sinh của bé Huệ An trở nặng. Người quen mách đến Đà Nẵng dễ kiếm tiền hơn nên hai mẹ con lại dắt díu nhau đến quận Cẩm Lệ nhặt ve chai, rửa bát thuê, xin thức ăn thừa từ hàng quán. Họ sống trong một căn nhà hoang, không điện, không nước. "Dù sao vẫn cao ráo hơn gầm cầu", bà Lẹ kể.

Đến tuổi đi học, An được mẹ đưa về quê xã Điện An, huyện Điện Bàn. Ngoài kiếm ve chai, bà Lẹ còn bóc hành tỏi, nhặt rau thuê kiếm tiền cho con ăn học. Để giúp mẹ, một buổi An đến trường, buổi còn lại theo bà đến các khu chợ. Những ngày không ai thuê, bữa cơm của hai mẹ con chỉ có cơm trắng chan nước mắm.

Dù bé tẹo bởi bệnh tật và suy dinh dưỡng nhưng 12 năm đi học, năm nào Huệ An cũng đạt học sinh giỏi. Năm lớp 5, vì mẹ đi viện thường xuyên nên bác ruột ở xã Điện Phong đón cô bé về nuôi. Ngoài lương thợ may của bác, họ sống dựa vào khoản trợ cấp từ hai người bệnh tâm thần, là anh chị của bà Lẹ.

Cuộc sống nghèo khó "từ trứng nước" khiến Huệ An tự rèn luyện ý chí mạnh mẽ. Cả tuổi thơ chưa một lần được họp phụ huynh, chưa từng có quần áo mới, cơm bữa đói bữa no nhưng cô bé không một lời than vãn. Mỗi lần mẹ nhập viện, An lại xin nghỉ học đi chăm. Ban ngày cô bé xin cơm từ thiện, tối ngủ hành lang, rảnh lại lôi sách vở lấy đầu gối làm bàn học. "Còn mẹ là còn tất cả", An trả lời mỗi khi được ai đó đi qua hỏi thăm: "Bé xíu sao mà vất vả quá vậy?".

Năm lớp 8, dù học giỏi Văn nhưng An lại chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Hóa của trường vì biết nếu đạt điểm cao, thầy giáo sẽ mời ăn hủ tiếu. Đó là lần đầu cô bé được một mình ăn bát hủ tiếu - thứ trước đây chỉ dám đứng xa nhìn mẹ bưng bê cho khách.

Thích vẽ, mê mẩn những bộ phim hoạt hình khi coi ké TV nhà hàng xóm, An muốn trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh. Trong trang cuối những cuốn vở trên lớp, cô bé thường phác họa ước mơ của mình lên đó.

Để có tiền thực hiện ước mơ, ngay từ đầu cấp 2, Huệ An đã đi gói hương (nhang) thuê, mỗi buổi kiếm 20.000 đồng. Sức khỏe yếu, làm một buổi phải nghỉ một ngày nhưng cô bé vẫn gắng tiết kiệm từng đồng mua sách vở, màu vẽ. Lên cấp ba, An xin bưng đồ tại quán cà phê dù ban đầu người chủ không dám nhận vì nghĩ khai gian tuổi.

Vừa học vừa làm, một ngày của An kết thúc lúc 22h đêm. Để có thời gian ôn bài, cô bé tranh thủ giờ ra chơi và sáng sớm lúc 3-4h khi mọi người chưa tỉnh giấc. Năm cuối cấp, trong khi bạn bè ôn thi tốt nghiệp ở trường, An không dám tham gia vì không có tiền. Biết hoàn cảnh, các thầy cô tình nguyện dạy miễn phí.

Ôn thi căng thẳng, năm cuối cấp An nằm viện tới ba lần. Trước ngày thi học kỳ hai, cô bé phải nhập viện vì viêm phổi nặng. Sáng hôm sau, dù sốt 39 độ, An vẫn trốn về trường. Nhìn thấy học sinh tay đeo ven truyền vẫn đến lớp, giám thị khuyên nên về nghỉ ngơi, trường sẽ tổ chức một cuộc thi riêng. "Em vẫn gắng được", An nói rồi bước vào lớp.

Trong bài thi thử THPT quốc gia với chủ đề "Cảm nhận của em về người cha", một đoạn An viết: "Mặc dù chưa từng gặp cha, nhưng con biết ở nơi nào đó cha vẫn luôn hướng về hai mẹ con. Con hứa sẽ thay cha chăm sóc mẹ".

Bài văn của nữ sinh Phan Thị Huệ An được 9,75 điểm, cao nhất trường.

Huệ An tham gia trong đội tình nguyện mùa lễ Vu Lan 2024 tại chùa Phước Ân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huệ An tham gia trong đội tình nguyện mùa lễ Vu Lan 2024 tại chùa Phước Ân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi con gái kết thúc kỳ thi quốc gia THPT và đỗ vào khoa kiến trúc Đại học Đà Nẵng, bệnh bà Lẹ lại trở nặng. Không đủ tiền vừa chữa ung thư cho mẹ, vừa đóng học phí, An quyết định nghỉ học làm công nhân.

Biết tin An nghỉ học, cô giáo chủ nhiệm cấp 3 Võ Thị Bích Liên tại trường THPT Nguyễn Hiền đã đăng ký một quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó. Với số tiền 15 triệu đồng cùng với quyên góp của thầy cô, bạn bè cũng như khoản vay từ Hội Phụ nữ xã, An tiếp tục nuôi hy vọng tới giảng đường.

"Vất vả thế nào cũng phải cố gắng. Chỉ có học mới thay đổi được tương lai", cô Bích Liên nắm chặt tay An dặn dò ngày cô bé lên xe rời Quảng Nam tới Đà Nẵng.

Trong mắt cô giáo, An luôn mạnh mẽ và kiên cường. "Cô bé luôn nói với tôi gặp khó khăn gì cũng không nên khóc, phải nghĩ cách giải quyết trước đã", cô giáo chủ nhiệm nói.

Cùng thời điểm con gái đến Đà Nẵng nhập học, bà Lẹ cũng bắt xe đến Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu hành trình duy trì sự sống khi một bên ngực đã hoại tử, thường xuyên rỉ mủ, chảy máu. Hai mẹ con một lần nữa mỗi người mỗi nơi, nhưng khác biệt là lần này Huệ An vào đại học chứ không phải trại trẻ mồ côi.

Trong những cuộc điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, cô con gái luôn cam kết sẽ cố gắng học để nhanh chóng kiếm tiền nuôi mẹ. "Khi đó hai mẹ con mình sẽ ở trong ngôi nhà sơn tường trắng tinh với giàn hoa giấy trước cửa", Huệ An động viên mẹ nhưng cũng là ước mơ của mình.

Mỗi lần nói đến ước mơ, Huệ An đều tỏ rõ sự hào hứng.

Hải Hiền

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Ngọc Thanh giờ là giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi). Mỗi ngày cô vẫn kể câu chuyện của mình, mong bọn trẻ Ca Dong không vì khó khăn mà chùn bước.
3 tuần trước - Nhân vật chương trình Tiếp sức đến trường báo Tuổi Trẻ 2024 - Lê Thảo Duyên, cô gái 19 tuổi với 4 lần đeo tang người thân, đã gửi đến bạn đọc bài viết như một lời tri ân. Duyên vừa nhập học, trở thành tân sinh viên báo chí ĐH Khoa học -...
3 tuần trước - Thầy đã là hiệu trưởng của một trường mới nhưng vẫn lo đứa học trò cũ học giỏi của mình vì nghèo mà bỏ đại học. Dù bận rộn, thầy đã gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ lời ‘kêu cứu’, mong tiếp sức cho Cảm.
3 tuần trước - Khánh Hòa- Năm học lớp 12, Diệu Ly tỏ tình với bạn trai quen qua mạng nhưng ba năm sau, video đó bất ngờ lan khắp cõi mạng khi họ đã chia tay và quên hẳn nhau.
1 tuần trước - Tốt nghiệp phổ thông hai năm trước, nhưng năm nay H’Nhé (20 tuổi, quê Gia Lai) mới vào học ở Trường cao đẳng Y Dược Sài Gòn (TP.HCM). Bởi H’Nhé không có tiền đi học.
Xem tin bài khác
3 phút trước - Lười tắm, người đàn ông đã phải trả giá đắt khi vợ kiên quyết ly hôn chỉ sau 40 ngày kết hôn.
9 phút trước - Còn hơn 3 tháng nữa mới đến Giáng sinh nhưng một số quán cà phê tại TP.HCM đã trang trí không gian có mô hình ông già Noel, cây thông, tuyết trắng... Không gian được trang trí Giáng sinh tại những quán cà phê thu hút người trẻ đến check-in.
9 phút trước - Để có 10 triệu đồng nộp tiền học cho cháu nội Hoàng Yến Linh, bà Trương đã bán đi đàn heo con, vét đến hạt tiêu cuối cùng được 30kg… nhưng vẫn không đủ, mà phải nhờ cậy thêm bà con, xóm giềng.
1 giờ trước - Bằng đôi bàn tay khéo léo, chàng trai Tây Ninh đã “hô biến” các chất liệu tự nhiên, quen thuộc như tre, trúc, gáo dừa thành những món đồ trang trí thủ công có một không hai.
1 giờ trước - Sinh ra trong gia đình không ai học ĐH, anh Dư Hoàng Khang (27 tuổi, quê Sóc Trăng) trở thành du học sinh bậc thạc sĩ ngành quản trị truyền thông với chương trình 2 năm tại University of Wroclaw (Ba Lan). Anh cũng đang tham gia kỳ học...