ttth247.com

Tỉ lệ trẻ mắc tật khúc xạ đã đến mức đáng lo ngại

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã công bố kết quả nghiên cứu "Thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến và các yếu tố liên quan năm học 2023-2024 trên địa bàn TP".

Nghiên cứu được thực hiện trên 1.230 học sinh từ mầm non đến THPT tại 8 cơ sở giáo dục ngẫu nhiên, kết quả cho thấy tỉ lệ trẻ mắc tật khúc xạ là hơn 50%.

Bé xíu đã mắc tật khúc xạ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tỉ lệ cận thị của trẻ em châu Á, trong đó có Việt Nam, ngày càng tăng, khoảng 80-90% vào năm 2050.

Hơn 9h sáng, khu vực đo khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM, trẻ đi khám mắt đông nghẹt. Nhiều gia đình từ các tỉnh đến xếp hàng từ sáng sớm đợi đến lượt thăm khám cho con. Theo thống kê của bệnh viện, trung bình mỗi ngày hơn 500 trẻ đến khám và điều trị các bệnh về mắt.

Bà T.T.T. (62 tuổi, Tiền Giang) đưa cháu nội đang học lớp 3 đến bệnh viện thăm khám vì thời gian gần đây bé thường xuyên kêu đau mắt, nhìn mờ khi học bài. Ngoài ra, gia đình phát hiện trẻ có thêm tật nheo mắt liên tục nên tranh thủ khi đang nghỉ hè dẫn trẻ đi thăm khám.

"Ở nhà tôi cũng thường xuyên cho cháu coi điện thoại, máy tính mỗi ngày trung bình từ 1 tiếng trở lên. Thấy cháu có biểu hiện lạ, sợ ảnh hưởng đến thị lực sau này nên gia đình đã đưa đi khám ngay", bà T. cho hay.

Tương tự, bà N.T.B. (50 tuổi, Tân Bình, TP.HCM) đưa con vừa hoàn thành xong chương trình lớp 6 đến bệnh viện khám từ sớm. Sau khi đo khúc xạ, các bác sĩ cho biết một bên mắt của bé đã cận 2 độ cần phải cắt mắt kính để đeo vừa giúp trẻ nhìn rõ và hạn chế tăng độ.

"Con đi học về có nói mắt nhìn mờ, giáo viên viết trên bảng ngồi phía dưới không thấy rõ. Ở nhà tôi cũng ít khi chú ý tư thế ngồi học của con, sau khi đi khám về phải chú ý hơn, trang bị thêm ánh sáng cho con ngồi học", bà B. nói.

Vì sao tỉ lệ trẻ mắc tật khúc xạ cao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lê Thị Kim Chi - phó trưởng khoa khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết số lượng người mắc tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) chiếm tỉ lệ cao trong dân số nói chung và lứa tuổi học đường nói riêng.

Dễ thấy nhất trong các lớp học, tỉ lệ trẻ em đeo kính tương đối cao. Biểu hiện rõ nhất khi mắc các tật khúc xạ là mắt nhìn mờ, phải đưa sách vở đến gần mắt khi đọc hoặc viết, nheo mắt, nhức đầu…

Theo bác sĩ Chi, hiện nay nguyên nhân gây ra tật khúc xạ chưa xác định rõ ràng, nhưng có liên quan đến các yếu tố di truyền, trẻ xem nhiều thiết bị điện tử, ngồi học sai tư thế, học hành nhiều khiến mắt điều tiết liên tục.

Khi mắc các tật khúc xạ nếu không được đeo kính trẻ nhìn rất mờ, ảnh hưởng đến học hành, sinh hoạt hằng ngày. Cận thị học đường đều có thể được giải quyết bằng việc dùng kính đeo mắt với độ phù hợp và trẻ có thể nhìn rõ hoàn toàn khi đeo kính. Trường hợp nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra các biến chứng nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc…

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chuyên khoa mắt Bệnh viện Nhi đồng 2 - chia sẻ yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ mắc tật khúc xạ là do di truyền và môi trường. Trong đó yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ không nhiều, thường gặp ở trẻ có cha mẹ bị tật khúc xạ. Cha mẹ bị cận dưới 4 độ khả năng di truyền sang con khoảng 10%, bị cận từ 6 độ trở lên khả năng di truyền sang con lên tới trên 90%.

Còn lại bệnh do yếu tố môi trường, cụ thể do thói quen sinh hoạt không hợp lý, ngồi sai tư thế hoặc nhìn quá gần ảnh hưởng đến việc điều tiết của mắt, đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng hoặc không gian học tập, sinh hoạt thiếu ánh sáng, khiến mắt trẻ cần điều tiết quá độ.

Ngoài ra, việc lạm dụng các thiết bị điện tử (máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại) phát ra ánh sáng xanh. Đây là loại ánh sáng gần giống với tia cực tím nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ gây hại cho mắt.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ thiếu các chất cần thiết như vitamin A, omega 3, vitamin C, canxi... Để nhận biết con trẻ bị tật khúc xạ, phụ huynh chú ý các dấu hiệu trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng, việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt…

Làm gì để phòng ngừa?

Bác sĩ Kim Chi khuyến cáo, để hạn chế trẻ mắc tật khúc xạ và bệnh tiến triển nhanh, phụ huynh chú ý cho trẻ ngồi học đúng tư thế, bàn ghế phải đúng kích thước, ngồi thẳng lưng, tập vở không sát mắt, ánh sáng đầy đủ.

Đồng thời, cha mẹ cần chú ý các biểu hiện tật khúc xạ ở trẻ để phát hiện kịp thời, đưa con đến các cơ sở y tế thăm khám. Khi phát hiện mắc tật khúc xạ nên đeo kính, bố trí bàn ghế, ánh sáng đầy đủ cho trẻ.

"Các bậc cha mẹ cũng cần có chế độ học hợp lý cho trẻ, cân đối hợp lý giữa chơi và học trong tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. Cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, tránh tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử", bác sĩ Chi nhấn mạnh.

Nhà trường cần có bàn ghế, ánh sáng đúng tiêu chuẩn. Phòng y tế trong trường học hoặc ngoài khu vực sân chơi của các con có thể trang bị bảng đo thị lực để trẻ tự kiểm tra thị lực dưới sự hướng dẫn của thầy cô.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Công ty EssilorLuxottica Việt Nam vừa giới thiệu và cho ra mắt sản phẩm tròng kính kiểm soát tiến triển cận thị Stellest™ vào ngày 8/8/2024 tại Hà Nội. Với hiệu quả giúp giảm tiến triển cận thị trung bình lên đến 67% so với kính đơn tròng...
1 tuần trước - Theo cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% - 90% trẻ em ở châu Á, bao gồm Việt Nam, có thể bị cận thị vào năm 2050.
3 tuần trước - Hiện đang trong dịch sởi, mùa bệnh sốt xuất huyết nhưng Bệnh viện Nhi đồng 1 lại đang thiếu những loại thuốc cấp cứu cho trẻ, trong đó có trẻ mắc bệnh sởi, sốt xuất huyết nặng như thuốc Dopamine…
3 tuần trước - Hiện đang trong dịch sởi, mùa bệnh sốt xuất huyết nhưng Bệnh viện Nhi đồng 1 lại đang thiếu những loại thuốc cấp cứu cho trẻ, trong đó có trẻ mắc bệnh sởi, sốt xuất huyết nặng như thuốc Dopamine…
1 tháng trước - Hầu hết những trường hợp trẻ mắc bệnh sởi nằm điều trị tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 trong đợt dịch sởi lần này đều chưa được chích ngừa vắc xin sởi đầy đủ.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
5 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
5 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.